Đái tháo đường typ 2 và chế độ dinh dưỡng

Cập nhật ngày: 27/10/2014 08:19:31

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn các chuyển hóa gây tăng đường huyết mãn tính do thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối của tụy. Theo định nghĩa của từ điển Y học Dorland: Bệnh ĐTĐ là “Hội chứng mạn tính về rối loạn chuyển hóa glucid, lipip và protid do thiểu tiết insulin hoặc do các mô đích kháng lại tác dụng của insulin, hoặc cả hai”. Biểu hiện rõ nhất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hóa đường, nồng độ đường trong máu tăng cao liên tục và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Vì vậy, đào thải đường qua nước tiểu trở thành tên của bệnh ở Việt Nam, nhưng khi có đường niệu thì bệnh ĐTĐ đã ở giai đoạn muộn và thường có nhiều biến chứng.

 Biến chứng của bệnh ĐTĐ là hậu quả của một phức hợp các rối loạn chuyển hóa gluxit, lipip, protit và các chất điện giải, gây tổn thương hàng loạt các cơ quan, tổ chức, trước hết là hệ tuần hoàn, thần kinh, mắt, thận, bàn chân... nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh ĐTĐ có thể tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

 Bệnh ĐTĐ, trong đó chủ yếu là bệnh ĐTĐ typ 2 chiếm từ 85% -95% trong tổng số bệnh nhân mắc ĐTĐ. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay trên toàn cầu và là gánh nặng cho nền kinh tế thế giới ở thế kỷ 21, trong đó có Việt Nam. ĐTĐ typ 2 đã gia tăng nhanh chóng trong vòng hai thập niên gần đây, tăng gấp 2 - 4 lần nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh lý mạch máu ngoại biên và đột quỵ; phần khác ĐTĐ typ 2 thường phát hiện muộn đã có biến chứng. Chi phí hàng năm cho chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ rất lớn. Chính vì vậy dự phòng ĐTĐ typ 2 có ý nghĩa rất lớn nhằm giảm bớt những gánh nặng cho nền kinh tế nước nhà và những biến chứng dẫn đến sự tàn phế của người ĐTĐ. Ta có thể phòng, chống bệnh ĐTĐ bằng cách:

Thay đổi lối sống và hạn chế các yếu tố nguy cơ như: nên ăn uống đầy đủ thành phần các chất trong mỗi bữa ăn gồm chất béo, protein, chất xơ... Ngoài ra, cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Điều đáng lưu ý là nhu cầu năng lượng của mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào cân nặng, mức độ lao động, do đó chế độ ăn của mỗi bệnh nhân ĐTĐ cũng khác nhau. Người bệnh ĐTĐ cần phải hạn chế tối đa bia, rượu.

Trong chế độ ăn cần hạn chế đường hấp thu chậm (các loại thực phẩm có chứa tinh bột chứa ngũ cốc, củ, hạt như: cơm, bún, bánh mì, khoai...). Những thực phẩm này cần ăn với lượng vừa phải và có thể thay thế cho nhau. Tránh đường hấp thu nhanh: nước ngọt, sữa đặc có đường, chè ngọt, bánh kẹo các loại... Cần ăn nhiều rau vì rau chứa nhiều chất xơ giúp chậm hấp thu đường. Song song đó, cần phải hoạt động thể lực mức độ trung bình ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần và duy trì cân nặng hợp lý.

Cẩm Lụa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn