Không dùng quá 25g đường mỗi ngày!
Cập nhật ngày: 30/06/2018 06:21:41
Trong đó đồ uống có đường,nhất là nước ngọt chứa thành phần đường rất cao. Cơ thể dư đường là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như béo phì, tim mạch, đái tháo đường…
Nước ngọt được nhiều người sử dụng trong những bữa ăn thông thường - Ảnh - Hồng Phương
Theo báo cáo của ngành đường cho hay năm 2017, mức tiêu thụ đường/người của Việt Nam là 46,5 g/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và gấp đôi so với mức nên tiêu thụ khuyến cáo của WHO (dưới 25 g/ngày).
Một người chỉ cần uống 2 chai nước ngọt khoảng 330 ml thì cơ thể sẽ dung nạp vượt mức lượng đường được phép sử dụng trong ngày dẫn đến nguy cơ dư đường
BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa Dinh dưỡng, tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
|
Nguy cơ dư đường từ nước ngọt
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y Tế năm 2016, lượng đượng tối đa được sử dụng trong ngày không vượt quá 10% tổng nhu cầu năng lượng.
Một nghiên cứu trên 1910 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas, trong đó 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết uống mỗi ngày, gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần.
"Để tốt hơn cho cơ thể thì nên dưới 5% tổng năng lượng trong khẩu phần. Ví dụ nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho nam trưởng thành Việt Nam từ 2000 - 2200 kcal thì tổng lượng đường được phép tối đa sử dụng không vượt quá 50-55 g/ngày, tốt nhất nên dùng 25-30 g/ngày." - BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn chia sẻ
Tổng lượng đường được sử dụng trong ngày sẽ không vượt ngưỡng nếu không dùng quá nhiều các loại nước uống có đường hoặc ăn qua nhiều bánh kẹo. Trong các loại thức uống có đường như nước ngọt, nước trái cây, cà phê pha sẵn nhà sản xuất đều cho một hàm lượng đường vào trong sản phẩm.
Thông thường, các loại nước ngọt, trung bình trong 100ml sản phẩm này sẽ có khoảng 11g đường. Như vậy chỉ cần uống 2 chai nước ngọt khoảng 330 ml thì cơ thể sẽ dung nạp vượt mức lượng đường được phép sử dụng trong ngày.
Nhiều bệnh nguy hiểm
Theo BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đường thường được sử dụng trong nước ngọt là đường sucrose, hay còn gọi là đường mía, đây là đường đôi được tạo từ glucose và fructose. Tuy nhiên năng lượng từ nước ngọt là năng lượng rỗng tức là không có giá trị về dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Có thể ước tính, 1 gam đường sẽ cho 4 kcal năng lượng. Như vậy nếu chỉ uống nước thay các loại carbohyrate khác có trong cơm, bún, gạo, khoai, bắp… thì dù không vượt mức nhu cầu năng lượng hằng ngày thì cơ thể sẽ thiếu vitamin và khoáng chất.
Nếu uống nhiều nước ngọt song song với chế độ ăn uống bình thường thì cơ thể sẽ hấp thu quá nhiều đường, dẫn đến thừa năng lượng, lâu ngày sẽ dẫn đến béo phì.
Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam đã tăng hơn 200% trong vòng 10 năm, trẻ em và vị thành niên 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì tăng 273% (so sánh 2016 và 2002).
Việc đường được hấp thu rất nhanh vào cơ thể nếu không được sử dụng hết để tạo năng lượng sẽ được chuyển hóa thành mô mỡ, và chuyển thành triglycerid dẫn đến tăng triglycerid máu, đặc biệt chế độ ăn có 15-20% lượng fructose trong tổng năng lượng, sẽ gây tăng nồng độ triglyceride lên 30 - 40%.
Ngoài ra, nếu cơ thể không sử dụng hết lượng đường đã nạp vào, cũng gây đề kháng insulin, đây là yếu tố nguy cơ trong hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường. Sau này sẽ dẫn đến các rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch sớm.
HỒNG PHƯƠNG (TTO)