Nhận biết bệnh lao trong cộng đồng
Cập nhật ngày: 19/03/2018 16:06:33
Những năm qua, tại Đồng Tháp triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng, củng cố mạng lưới từ tuyến tỉnh đến cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý và điều trị dự phòng lao trẻ em, tập huấn quản lý lao đa kháng thuốc cho cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao 144 trạm y tế trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo năm 2017, tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, tình hình bệnh lao trong thời gian qua theo chiều hướng giảm nhẹ, tỷ lệ mắc lao các thể đạt 156/100.000 dân, tỷ lệ lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn học 95/100.000 dân.
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là một bệnh có thể chữa trị được, do nhiễm khuẩn mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh này thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh thường gặp nhất là bệnh lao phổi và có thể mắc bệnh lao ở nhiều nơi khác trên cơ thể như lao xương, lao hạch hoặc lao ở não.
Các dấu hiệu thường gặp khác của lao cả lao phổi và lao các cơ quan khác trong cơ thể
Bệnh lao dễ phát bệnh khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Trẻ em sơ sinh và người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu cần phải chú ý các dấu hiệu: ăn mất ngon, sụt cân; cảm giác yếu sức và mệt mỏi; đôi khi bị sốt; đổ mồ hôi về đêm; sưng tấy ở cổ, nách hoặc háng.
Không phải người nào bị nhiễm vi trùng lao cũng phát bệnh. Có khoảng 1/3 dân số trên thế giới mang vi trùng lao trong cơ thể, nhưng chỉ một vài người có bệnh. Một số người mang mầm bệnh có biểu hiện bệnh lý là do họ bị suy giảm miễn dịch. Hệ miễn dịch suy giảm có thể do bệnh lý khác như: căng thẳng, thay đổi thời tiết, dinh dưỡng kém, thay đổi chế độ ăn, hoặc những lý do khác. Một người có thể mang mầm bệnh trong nhiều năm trước khi có biểu hiện bệnh lý. Nếu bị nhiễm trùng, nhưng không có biểu hiện bệnh, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân uống thuốc chống lao một thời gian (thường 3 hoặc 6 tháng). Việc uống thuốc này có thể ngăn ngừa bệnh lý về sau. Điều trị này gọi là điều trị lao dự phòng. Điều trị không mang tính bắt buộc. Người uống thuốc điều trị lao dự phòng không bị bệnh và không lây bệnh cho người khác.
Người bị mắc bệnh lao như thế nào?
Vi trùng lao được truyền qua bởi những hạt nhỏ (chúng ta không nhìn thấy được) trong không khí. Những hạt này sinh ra từ mũi và miệng của người bị nhiễm vi trùng lao và chúng được phát tán trong không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Khi người khác hít phải không khí có những hạt nhỏ chứa vi trùng lao, vi trùng có thể vào trong cơ thể và đi đến phổi của người đó.
Vi trùng lao không dễ phát tán, vì thế nhiễm trùng thường thấy ở những thành viên sống cùng gia đình. Chỉ có lao phổi và một dạng lao ở họng hiếm gặp là có thể lây. Người đang uống thuốc điều trị lao hiệu quả được 2–3 tuần không thể lây bệnh cho người khác.
Nên làm gì nếu nghi ngờ bị nhiễm lao?
Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm lao, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ xét nghiệm, tư vấn, điều trị càng sớm càng tốt. Để biết một người có nhiễm lao hay không, cần phải làm vài xét nghiệm. Xét nghiệm thường nhất là chụp X quang phổi, làm xét nghiệm ở da (còn gọi là xét nghiệm Mantoux) hoặc xét nghiệm máu.
Những điều cần biết để phòng ngừa bệnh lao
Các điểm cần chú ý trong sinh hoạt thường ngày: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, không hút thuốc, ngủ đủ giấc, không làm việc quá sức, lao lực, tập thể dục điều độ, có phương pháp giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, cần phải tiêm chủng dự phòng cho trẻ em (BCG), xét nghiệm X- quang vùng ngực mỗi năm 1 lần, trường hợp bị ho kéo dài từ 2 tuần trở lên hãy đi khám sớm để được chẩn đoán điều trị thích hợp.
DH (tổng hợp)