Phòng bệnh cho trẻ em thời điểm chuyển mùa

Cập nhật ngày: 26/02/2019 15:08:47

ĐTO - Những ngày gần đây, thời tiết buổi sáng hơi lạnh, trưa nắng nóng, báo hiệu sắp vào mùa nắng nóng trong năm. Giai đoạn chuyển mùa cũng là thời điểm nhạy cảm, nền nhiệt độ thay đổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt, ở trẻ em (TE), hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nếu không phòng bệnh đúng cách sẽ dễ bị bệnh.


Trẻ em bị bệnh về đường hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp

Bác sĩ chuyên khoa 2, Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Với điều kiện thời tiết như hiện nay, ở TE thường xuất hiện các bệnh: sởi, cúm, quai bị, thủy đậu, các bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp”.

Hiện nay, dịch bệnh sởi đang có dấu hiệu tăng nhanh. Bệnh không chỉ mắc ở TE mà cả người lớn. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 39 ca dương tính với bệnh sởi trong tổng số 74 ca sốt phát ban nghi sởi. Các ca bệnh rải đều ở các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh. Nguyên nhân bùng phát bệnh sởi do người dân còn chủ quan không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh; một số ít quên khi con đã đến tuổi tiêm.

Chị Huỳnh Ngọc Hà ngụ TP.Cao Lãnh có con 2 tuổi bị bệnh sởi cho biết: “Lúc con 9 tháng, Trạm Y tế có thông báo việc tiêm vắc-xin sởi nhưng do bận việc nên tôi quên đưa con đi tiêm. Giờ con bị bệnh sởi, tôi rất lo lắng”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền (20 tuổi) ngụ huyện Tháp Mười chưa được tiêm phòng sởi lần nào chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ, người lớn là không mắc bệnh nên chủ quan không tiêm phòng. Ban đầu tôi bị sốt, kèm chảy mũi, sau đó nổi lên những đốm đỏ, khi đi đến cơ sở xét nghiệm, theo dõi điều trị mới biết mình bị sởi”.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Hồng Phúc -Trưởng Khoa Hồi sức nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, thời tiết nắng nóng làm cơ thể TE ra nhiều mồ hôi, mất nước. Nắng nóng cũng làm cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, vi khuẩn, vi nấm có điều kiện thuận lợi xuất hiện. Để hạn chế TE bị bệnh, cha mẹ nên biết cách chăm sóc, tránh để trẻ bị mất nước, mất sức đề kháng dẫn đến bị bệnh; cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước, nước trái cây cho TE mỗi ngày. Ban ngày, giữ cho cơ thể bé thoáng mát, giữ ấm vào buổi sáng. Không để trẻ ở gần quạt gió, trong môi trường có máy điều hòa suốt ngày trẻ sẽ bị khô da, bị nhiễm lạnh dẫn đến bị viêm phổi và các bệnh khác.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút sởi gây ra, rất nguy hiểm đối với TE. Bệnh lây qua đường hô hấp, ho, xổ mũi hoặc lây qua nước bọt. Bệnh có những biểu hiện như: sốt ho, đỏ mắt, chảy nước mắt nước mũi. Bệnh có những biến chứng nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời dẫn đến các bệnh nguy hiểm: viêm phổi nặng, viêm não, tổn thương giác mạc... Những người tiếp xúc với bệnh sởi mà chưa tiêm sởi thì nhất định sẽ mắc bệnh sởi.

Bác sĩ Dương Ân Hận nói: “So sánh với cùng kỳ năm 2018 (chỉ 1 ca) thì bệnh sởi tăng hàng chục lần. Để phòng, chống dịch sởi, người lớn, TE từ 9 tháng trở lên, phụ nữ muốn có thai nhưng chưa tiêm vắc-xin sởi nên chủ động đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng sởi. Và chú ý, trong chăm sóc người bệnh, phải vệ sinh kỹ, cách ly người bệnh với người khác vì bệnh dễ lây lan; có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng nặng”.

Ngoài dịch bệnh sởi, hiện nay thời tiết sáng lạnh, trưa nắng nóng cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa ở TE phát triển. Có nhiều TE nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp các bệnh: rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản,...

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ huyện Cao Lãnh có con 1 tuổi bị bệnh cảm nặng cho biết: “Buổi trưa nóng, con ra nhiều mồ hôi nên tôi bật quạt gió ngay người con liên tục cho mát, lâu dần bé bị cảm nặng”.

Bên cạnh dịch bệnh sởi, bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng, người dân cần chú ý phòng các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cho TE (toàn tỉnh từ đầu năm đến nay, có 291 ca sốt xuất huyết, 11 ca nặng; tay chân miệng 511 ca, có 390 ca nặng và không có trường hợp tử vong).

Theo bác sĩ Dương Ân Hận, dự báo của ngành y tế năm 2019, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có khả năng xảy ra cao, đỉnh điểm từ tháng 7 đến giữa tháng 10, vì đây là bệnh lưu hành quanh năm. Chủ động phòng bệnh, trong năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục thực hiện công tác truyền thông tại cộng đồng, hướng dẫn người dân phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc trẻ, trong nhà, môi trường, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt; tổ chức 3 chiến dịch diệt lăng quăng lớn... Ngoài sự vào cuộc tuyên truyền quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, các phụ huynh cần chú ý chăm sóc TE, cho con tiêm phòng những vắc-xin cần thiết để đảm bảo cho bé có sức khỏe thật tốt.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn