Phòng, chống bệnh dại

Cập nhật ngày: 19/09/2016 10:11:49

Nhiều người khi bị chó, mèo cắn, cào chảy máu... rất hoang mang, lo sợ, không biết nên xử trí như thế nào. Một số người vội vàng giã các loại thuốc nam đắp vào vết cắn để phòng ngừa bệnh dại mà quên mất đi việc vệ sinh vết cắn nhằm tránh nhiễm trùng vết thương. Điều đó dẫn đến rất nhiều sai lầm vì bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin cho người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, hiện nay phương pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng là tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật nuôi. Khi bị chó dại, mèo dại cắn hoặc cào, xước... virus dại sẽ xâm nhập qua vết thương, lây sang người và gây bệnh. Thông thường: từ 1- 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới 1 vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc: tình trạng nặng nhẹ của vết cắn; vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh; khoảng cách từ vết cắn đến não; số lượng vi rút xâm nhập; vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ lây truyền ở chó nhà: thông thường là 3-7 ngày trước khi bắt đầu có dấu hiệu lâm sàng (hiếm khi xảy ra trên 4 ngày) và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh.

Ở người, vi-rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong tới 99,9% nhưng đồng thời có thể dự phòng và có thể loại trừ được bệnh dại bằng cách tiêm phòng cho chó và ngăn chặn sự lan truyền của vi-rút dại sang người.

Hiện nay, trên thế giới chưa có một loại thuốc nào chữa được căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn tin tưởng vào điều trị bệnh dại bằng cây thuốc nam, thuốc gia truyền... Chính vì điều này, mà nhiều người không đi tiêm ngừa sớm, đến khi đi tiêm ngừa thì đã quá muộn. Vì vậy, không nên điều trị bằng thuốc nam, vì chưa có nghiên cứu nào chữa bệnh dại bằng thuốc nam được công nhận và cũng chưa có kết luận nào cho rằng súc vật đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vì vậy, bệnh nhân vẫn phải xử trí tại chỗ vết thương ngay và đến các điểm tiêm dại để được bác sĩ khám và chỉ định cụ thể. Một số biện pháp xử trí khi bị vật cắn.

Khi bị động vật cắn kể cả đã tiêm phòng dại cũng nên xử lý ngay

- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương.

- Làm sạch vết thương: Dùng bông tiệt trùng để rửa nhẹ vết thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút, rửa xà phòng để diệt khuẩn nhằm loại bỏ tất cả mầm bệnh, không chà xát mạnh làm tổn thương.

- Sát trùng kỹ vết thương: Sau khi rửa sạch vết thương, dùng bông lau khô, dùng nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng vết thương.

- Tiến hành cầm máu vết thương cho nạn nhân: Nâng cao vùng bị thương để trách vết thương bị chảy máu quá nhiều, sau đó dùng băng vết thương để cầm máu.

- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Cần theo dõi ít nhất 48 giờ.

Tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.

- Theo dõi con vật, nếu sau 15 ngày con vật vẫn bình thường thì không phải bệnh dại.

Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt các nội dung sau:

- Điều trị sơ cứu: xử lý vết thương bị súc vật cắn.

- Đến điểm tiêm phòng dại gần nhất để khám và điều trị dự phòng bệnh dại bằng vắc-xin dại, huyết thanh kháng dại.

Lưu ý:

Hiện nay tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm Y tế tuyến huyện đều có vắc-xin, huyết thanh kháng dại và thực hiện tiêm miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo.

Diệu Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn