Sự cần thiết cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi

Cập nhật ngày: 18/09/2024 11:12:15

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240918111314dt3-3.mp3

 

ĐTO - Ăn bổ sung (còn gọi là ăn dặm, ăn sam) là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm cho trẻ ăn bổ sung là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Lúc này, nhu cầu phát triển của trẻ đã cao hơn, trẻ cần thêm các chất và năng lượng từ nhiều nguồn thức ăn khác, sữa mẹ không còn là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho trẻ như giai đoạn trước. Đó cũng là lý do để trẻ cần được tập ăn dặm kết hợp với bú mẹ kể từ khi đạt mốc 6 tháng tuổi.


Cho trẻ ăn bổ sung khi tròn 6 tháng tuổi (Ảnh minh họa)

Hiện nay vẫn còn nhiều bà mẹ quan niệm rằng, cho trẻ ăn bổ sung sớm sẽ giúp trẻ cứng cáp hơn. Nhưng thực tế đã chứng minh, khi cho trẻ ăn trước thời gian khuyến nghị sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh bởi giai đoạn dưới 6 tháng tuổi trẻ vẫn còn thiếu các yếu tố miễn dịch bảo vệ cơ thể. Thức ăn bổ sung sẽ khá đặc chưa phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt và ở giai đoạn này hầu như trẻ chỉ có thể tiêu hóa các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Việc cho trẻ bú ít đi hoặc thôi bú sớm cũng dẫn tới tăng khả năng mang thai ở bà mẹ.

Ngược lại, khi cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung quá muộn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ chậm lớn, tăng nguy cơ thiếu các chất dinh dưỡng và bị suy dinh dưỡng.

Đừng quên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ song song với việc ăn bổ sung. Vì thức ăn chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng chứ không thay thế được sữa mẹ. Sữa mẹ cung cấp nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp trẻ tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Chính vì vậy, mẹ vẫn cần cho trẻ bú đầy đủ, khi trẻ đã ăn được tốt, mẹ có thể tiến hành giảm lượng sữa và tăng lượng thức ăn dần theo độ tuổi của trẻ. Khi bắt đầu ăn bổ sung, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều để dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ làm quen dần với các loại thức ăn mới. Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải đảm bảo có đủ thành phần 4 nhóm thức ăn cơ bản: nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, vitamin và khoáng chất. Đồng thời đảm bảo tính đa dạng của khẩu phần bằng cách chuẩn bị bữa ăn có ít nhất 5 trên 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Mỗi loại thực phẩm chỉ chứa một số chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau, nên khi đảm bảo được về đa dạng thực phẩm thì giá trị dinh dưỡng của bữa ăn cho trẻ sẽ tăng lên. Cha mẹ cũng không quên cho thêm dầu thực vật hoặc mỡ động vật vào thức ăn của trẻ vì vừa giúp bữa ăn thơm, béo, trông sẽ hấp dẫn hơn, vừa giúp cung cấp thêm năng lượng cho trẻ mau lớn.


Nguồn: Viện Dinh Dưỡng

Bên cạnh bữa ăn chính, cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Bữa ăn phụ tốt là phải đảm bảo cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ như: sữa chua, các sản phẩm từ sữa, trái cây... Các thực phẩm giàu chất đường không thay thế được các thực phẩm khác trong khẩu phần ăn, vì vậy, cho trẻ ăn kẹo và nước uống có đường không phải là bữa ăn phụ của trẻ.

Ngoài ra, khi lựa chọn thức ăn cho trẻ phải đảm bảo sạch và an toàn không có tác nhân gây bệnh, không có các hóa chất độc hại, không có xương hoặc các vật cứng có thể gây tổn thương cho trẻ. Cũng cần lựa chọn thức ăn sẵn có ở địa phương, giá hợp lý, thuận lợi cho việc chuẩn bị và chế biến món ăn cho trẻ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia không nên cho gia vị (đặc biệt là muối) vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi, vì thận của trẻ dưới 1 tuổi không tải quá 1g muối mỗi ngày, lượng muối trong thực phẩm đã đủ cung cấp cho nhu cầu của trẻ. Từ 1 tuổi có thể cho trẻ ăn gia vị nhưng phải nấu nhạt hơn khẩu vị của người lớn; tập thói quen ăn nhạt cho trẻ từ nhỏ là cách tốt nhất phòng ngừa các bệnh về tim mạch, huyết áp và thận sau này.

Trong trường hợp trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên kiêng khem quá mức. Có thể cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn hợp vệ sinh sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của trẻ mà còn giúp trẻ không bị mệt lả và sụt cân.

Nguyễn Ly (CDC Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn