Tình hình sử dụng rượu bia tại Việt Nam và Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 20/01/2020 09:13:37

Sử dụng rượu bia là một yếu tố gây cản trở sự phát triển bền vững ở 3 khía cạnh: sức khỏe, kinh tế và xã hội.


Luật cấm ép người khác uống rượu, bia

Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và tử vong trên toàn cầu. Mỗi năm, sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra 5,3% số ca tử vong toàn cầu, tức là cứ mỗi phút có 6 người chết với tổng số 3 triệu ca tử vong.

Năm 2016, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 3 của châu Á.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ dân số đang sử dụng rượu bia tại Việt Nam rất cao và tăng nhanh ở cả hai giới.

Kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 80,3% nam giới trong độ tuổi từ 25-64 sử dụng rượu bia trong 30 ngày (tăng gần 11% so với năm 2010) và 11,2% nữ giới trong độ tuổi đó sử dụng rượu bia (tăng gấp đôi so với năm 2010).

Bên cạnh tiêu thụ bình quân đầu người cao, tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam. Năm 2015, gần một nửa nam giới (44,2%) uống rượu bia ở mức nguy hại, mức tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (25,1%).

Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, 52,7% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã từng sử dụng rượu bia trong đời, 22,5% đã từng say rượu bia. Trong số học sinh đã từng sử dụng rượu bia, 43,8% uống lần đầu tiên trước tuổi 14.

Tại Đồng Tháp, theo kết quả điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng năm 2016, tỷ lệ người dân từ 15 – 60 tuổi trong tỉnh Đồng Tháp có uống rượu, bia chung cả 2 giới là 45%, trong đó nam chiếm 83,2%, nữ chiếm 16,8%; đặc biệt là tình hình sử dụng rượu bia ở mức lạm dụng nguy hại: nam chiếm 18,7%, nữ chiếm 1,5%.


Lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm.

WHO ước tính năm 2016 cả nước ghi nhận 549.000 trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77%, tử vong do bệnh tim mạch đứng hàng đầu với 31%, tiếp theo là ung thư 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 6% và đái tháo đường 4% (27). Rượu bia là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh không lây nhiễm nói trên.

Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016, 12% trường hợp tử vong tại Việt Nam liên quan tới sử dụng rượu bia. Rượu bia là yếu tố nguy cơ cao thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong, đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thương tích, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh không lây nhiễm

Bs. Lê Lan Trinh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn