Từng bước kiềm chế, kéo giảm số ca mắc bệnh tay - chân - miệng

Cập nhật ngày: 05/12/2023 11:56:58

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231205120458DT5-3.mp3

 

ĐTO - Trước tình hình số ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hạn chế ổ dịch lan rộng. Đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong công tác phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng ngừa bệnh.


Đại diện Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh tuyên truyền phòng bệnh tay - chân - miệng cho phụ huynh 
tại Trường Mầm non Mỹ Phú (phường Mỹ Phú)

Số ca mắc TCM tăng cao

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành y tế và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh TCM; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức phòng bệnh. Tuy nhiên, số ca mắc TCM trong những tuần gần đây trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, xuất hiện đều tại các huyện, thành phố.

Tại huyện Cao Lãnh, số ca mắc TCM được ghi nhận cao nhất của tỉnh. Tính tới tuần 47/2023 (ngày 26/11), toàn huyện có 1.126 ca mắc TCM (tăng 176 ca so với cùng kỳ năm 2022). Thạc sĩ, bác sĩ Thái Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh, cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai 2 đợt Chiến dịch phòng, chống bệnh TCM tại 18 xã, thị trấn. Trong hoạt động này, cán bộ y tế cấp huyện, cấp xã và nhân viên y tế khóm, ấp kết hợp cùng các lực lượng tại địa phương đến từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi để tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh TCM. Đồng thời tổ chức truyền thông nhóm tại các trường Mầm non trên địa bàn, đối tượng hướng đến là người đưa rước trẻ, giáo viên, nhân viên y tế trường học nhằm kiểm soát dịch bệnh TCM. Tuy nhiên, qua số liệu theo dõi, số ca mắc TCM trong các tuần gần nhất trong toàn huyện vẫn còn ở mức cao (từ 81 - 95 ca/tuần)”.

Tính đến ngày 26/11, TP Cao Lãnh cũng là địa phương ghi nhận số ca mắc TCM ở mức cao, với 983 ca. Trong đó, số ca mắc TCM nhiều nhất ở địa bàn các xã: Mỹ Tân, Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông và Phường 11. Theo Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, số ca mắc TCM trên địa bàn bắt đầu tăng cao ở tuần 41 đến nay, trong đó số ca mắc được ghi nhận cao nhất là vào tuần 43, với 81 ca mắc TCM. Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, nhận định: “TCM là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, là nhóm tuổi trẻ đi học mầm non, nhóm trẻ tư thục... Vì vậy, khi các trẻ đến trường từ đầu năm học 2023 - 2024 (khoảng tháng 9/2023) đến nay là môi trường tạo điều kiện thuận lợi lây lan nhanh bệnh TCM, làm số ca mắc mới tăng cao”.

Không chỉ ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh, số ca mắc TCM tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tại tỉnh, số ca mắc TCM tăng vọt từ đầu tháng 9/2023 và đang duy trì ở mức cao (hơn 400 ca/tuần) trong nhiều tuần qua. Đến ngày 26/11, toàn tỉnh ghi nhận 6.221 ca mắc TCM, tăng 2.059 ca so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình TCM diễn phức tạp, số ca mắc tại nhiều địa phương. Đặc biệt, ngành y tế dự đoán chủng vi-rút gây bệnh TCM đang hoạt động mạnh là EV71 có khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng. Đến nay, đã có 2 trường hợp tử vong do mắc TCM tại xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) và xã An Nhơn (huyện Châu Thành).

Chủ động kéo giảm bệnh TCM

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, số ca mắc cao, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, từng bước kiềm chế, kéo giảm số ca mắc mới. Theo đó, ngành y tế tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp liên ngành, huy động sự hỗ trợ của cơ quan truyền thông, nhà trường, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh TCM.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, khoa, Trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch, nhất là ổ dịch trong trường học, ca tản phát có phân độ lâm sàng từ 2b trở lên (thể nặng; tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, ca tản phát ngay khi phát hiện). Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm TCM bằng nhiều hình thức đến người dân. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tập huấn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh TCM cho nhân viên y tế trường học, giáo viên mầm non...

Tại huyện Cao Lãnh, Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác cập nhật ca bệnh, ổ dịch, phối hợp cùng các tuyến trong xác minh thông tin, xử lý triệt để các ổ dịch có liên quan đến trường học. Đồng thời đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, hóa chất chống dịch. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND xã, thị trấn còn huy động nguồn lực tại cơ sở tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh TCM; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, từ đó tạo sực tác động nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh trong quần chúng nhân dân.


Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (bìa trái) phát tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh tay - chân - miệng cho người dân

Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh, cho biết: “Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phòng, chống dịch bệnh TCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp Trạm y tế tuyến xã tổ chức ra quân tuyên truyền đến người dân tại địa bàn. Hơn 2 tuần qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong huyện đã tham gia trên 20 lượt ra quân vãng gia tuyên truyền trực tiếp và cấp phát hàng ngàn tờ rơi về phòng, chống dịch bệnh TCM cho người dân, nhất là hội viên, phụ nữ có con dưới 5 tuổi. Thông qua hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao ý thức phòng bệnh TCM cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi”.

Tiếp tục đẩy mạnh biện pháp kiềm chế, kéo giảm số ca mắc TCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không chỉ tăng cường hoạt động giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch, ca tản phát có phân độ lâm sàng từ 2b trở lên, khoanh vùng, xử lý triệt để ngay khi phát hiện mà còn huy động sự tham gia của các phòng khám tư nhân, nhà thuốc, mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế trường học để phát hiện sớm các trường hợp mắc tại cộng đồng. Cùng với đó, truyền thông về phương pháp phòng bệnh và các dấu hiệu nhận biết bệnh TCM cho người dân, không để dịch bệnh TCM bùng phát, lan rộng...


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp khám cho bệnh nhi mắc tay - chân - miệng

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh TCM có đặc điểm xuất hiện quanh năm, nhất là thời điểm thời tiết có mưa nhiều, độ ẩm không khí cao. Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: “Mỗi gia đình, cha mẹ cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM bằng cách giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên cọ rửa dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi và khu vực trẻ vui chơi bằng các loại dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, quan tâm tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bệnh TCM là một bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc TCM, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời và tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh...”.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn