Uống rượu, bia cần biết dừng đúng lúc

Cập nhật ngày: 17/11/2020 05:40:58

Một trong những nét đặc trưng của người miền Tây Nam bộ là lòng hiếu khách. “Khách đến nhà không trà thì rượu”, bởi như thế sẽ khiến chủ – khách gần nhau hơn. Đây cũng là nét văn hóa tồn tại từ bao đời nay. Thế nhưng, ngày xưa ông cha ta uống rượu có điều độ, chừng mực; ngày nay việc uống rượu, bia đang dần bị lạm dụng và có sự biến tướng. Tôi xin mạn phép được nêu lên vài ý kiến cá nhân về vấn đề này từ góc nhìn của một người dân miền Tây.

Trăm ngàn lý do để uống rượu, bia

Gần nhà tôi có một anh làm nghề thợ hồ. Ngày nào cũng như ngày nấy, tối mịt mới thấy anh về tới nhà trong tình trạng say bí tỉ, rồi chửi vợ mắng con inh ỏi xóm làng. Gia đình thì thiếu trước, hụt sau, chồng thì suốt ngày say sỉn, chị vợ chịu không nổi bồng bế con về nhà cha mẹ đẻ. Tôi nhiều lần góp ý thì anh sượng sùng, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Anh bảo: “Vẫn biết uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng sức khỏe, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, nhưng bỏ không được vì thiếu nó (rượu, bia) tôi không thể làm gì được và rất... khó ngủ”.

Còn anh bạn đồng nghiệp của tôi, dù chỉ là công chức bình thường nhưng ngày nào cũng thấy anh “có khách”. Anh than thở rằng: “Mình là dân nhậu, anh em, bạn bè mời nhiệt tình mà từ chối thì không được”. Lý do của anh đưa ra cũng đơn giản: “Bạn bè quí mến mới mời, tất nhiên mình cũng phải mời lại”. Thế nên hầu như cả tháng trời tôi thấy anh chỉ nghỉ uống rượu, bia được vài ba hôm, công việc vì vậy mà luôn trì trệ. Tiền lương hàng tháng không đủ chi tiêu phải vay mượn bạn bè, dù vậy, anh vẫn “duy trì” việc uống bia, rượu đều đặn và cũng không hề có ý định thay đổi thói quen này.

Một thực tế hiện nay là có vô số “lý do” để người ta uống rượu, bia. Vui cũng uống, buồn cũng uống, uống bất kể giờ nào. Cất xong cái chuồng heo, đóng xong cái tủ, cái bàn hay sáng mới mở ra bạn ghé thăm cũng có thể tổ chức uống rượu, bia... Nhiều người xem rượu, bia như một “phương tiện” giao tiếp tất yếu. Gặp nhau mà không có rượu, bia thì nhạt nhẽo quá, chẳng biết chuyện gì để nói; mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công việc khi đưa lên bàn nhậu thì có phần nhanh gọn hơn, trôi chảy hơn (!).

Giữ nét văn hóa trong uống rượu, bia

Ở miền Tây không khó để tìm một quán nhậu. Từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng sang trọng đến quán cóc vỉa hè, đâu đâu cũng luôn sẵn sàng phục vụ rượu, bia thâu đêm suốt sáng. Như đã thành thông lệ, cứ chiều gần xong công việc là người này í ới người kia rủ rê ra quán hoặc về nhà một ai đó uống rượu, bia. Hôm nào không tụm năm tụm ba uống vài xị rượu hay mấy chai bia lại thấy “buồn buồn”. Anh em gặp nhau “lai rai” tỉ tê chuyện nhà cửa, vợ con, chuyện công việc, chuyện cơ quan, cả những chuyện trên trời dưới đất, và ngày nào cũng có cái để nói với nhau trên bàn nhậu. Hết tăng 1 rồi đến tăng 2, tăng 3, đến khi “hết thấy đường gắp mồi”, người nôn ói, kẻ ngủ tại bàn thì mới chịu nghỉ. Có khi một cuộc nhậu kéo dài gần cả ngày trời. Ai không uống được rượu, bia đồng nghĩa với bạn bè không nhiều, các mối quan hệ cũng giới hạn. Vậy nên không ít người dù tửu lượng rất kém nhưng cố gắng tập uống rượu, bia để xã giao trong công việc làm ăn hay duy trì mối quan hệ công tác được tốt đẹp hơn. Lạ hơn là tình cảm và sự nhiệt tình được tính ở tỉ lệ rượu, bia “tiêu thụ” của bạn nhậu. Nhiều người hay nói đùa với nhau “dân miền Tây không uống được rượu, bia xem như mất gốc”, mà uống thì phải cho “tới bến”. Có thể vì lẽ đó mà người ta thường gán biệt danh cho dân miền Tây là “anh Hai, anh Ba miền Tây” – ví von là người uống rượu, bia giỏi, có “tửu lượng vô biên”.

Chuyện uống rượu, bia ở miền Tây không thể kể hết được. Điều đó tỉ lệ thuận với biết bao hệ lụy, ai cũng thấy, cũng biết tác hại mà nó gây ra nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Có trường hợp anh em trong nhà trong lúc say mời nhau ly rượu không uống dẫn đến xô xát, để rồi người mất mạng, kẻ vào tù. Hay do nhìn mặt “thấy ghét” mà hai đám thanh niên ở một quán nhậu lao vào ẩu đả dẫn đến chết người. Đáng buồn hơn, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không làm chủ được tay lái khi trong người đã có rượu, bia... Để rồi một phút mất kiểm soát, một chút chủ quan khiến bản thân vướng vòng lao lý, tiền mất, tật mang, công danh, sự nghiệp bỗng chốc tan tành như mây khói. Khi mọi chuyện đã rồi, ai cũng tự trách mình “giá như biết dừng đúng lúc thì mọi chuyện đã khác”. Đó là chưa kể đến việc lạm dụng rượu, bia đến nghiện ngập làm khổ cho người thân; thay vì dành dụm lo cho gia đình đang cảnh khó khăn lại chi tiêu hoang phí vào các cuộc nhậu; rồi đến chuyện bệnh tật đeo mang do tác hại của rượu, bia gây nên khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần; tình làng nghĩa xóm rạn nứt, anh em, bè bạn chẳng thèm nhìn mặt bởi trong lúc quá chén không làm chủ được bản thân lời qua tiếng lại xảy ra mâu thuẫn, xích mích...

Uống rượu là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt cần được giữ gìn, kế tục một cách dung dị, chừng mực. Uống rượu, bia sao cho bản thân mình không mất kiểm soát, không ép người khác uống say, không thái quá và kém văn minh, biết dừng đúng lúc thật không dễ, nhưng không phải không làm được. Điều cốt yếu là ở nhận thức và sự quyết tâm thực hiện. Mỗi người nên đề ra cho mình một nguyên tắc, một giới hạn trong việc thưởng thức rượu, bia luôn là nét văn hóa chứ không phải là hành vi phản văn hóa để rồi gây họa.

Trúc mai

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn