Vitamin A - Những điều cần biết

Cập nhật ngày: 28/05/2019 05:06:26

Vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Thiếu vitamin A không chỉ gây ra những tổn thương ở mắt để lại hậu quả có thể dẫn đến mù lòa mà còn làm trẻ chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy cơ tử vong cao.


Cà rốt, bí đỏ, cà chua, rau bồ ngót, ớt chuông,... là những rau củ giàu vitamin A

Vitamin A tồn tại trong tự nhiên dưới 2 dạng

* Trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng Retinol có nhiều trong gan, nhất là gan cá, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, phô mai,...

* Trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật dưới dạng Caroten - tiền vitamin A có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm, rau quả có màu vàng, đỏ như: rau muống, rau bồ ngót, rau dền, bí đỏ, cà rốt, xoài, gấc,...

Vai trò của vitamin A

Vitamin A là một vi chất quan trọng, tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể:

- Tham gia vào quá trình tăng trưởng: cùng với vitamin D giúp cho sự phát triển xương và tham gia vào quá trình phát triển cơ thể, đặc biệt ở trẻ em. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em sẽ chậm lớn, thấp còi, suy dinh dưỡng.

- Tham gia chức năng thị giác: Vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc nên khi thiếu vitamin A khả năng nhìn lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời sắp tối nên được gọi là “quáng gà”. Quáng gà là biểu hiện sớm trên lâm sàng của thiếu vitamin A.

- Giúp duy trì cấu trúc bình thường của da, niêm mạc và biệt hóa tế bào, cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da,...

- Tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể với bệnh tật. Khi thiếu vitamin A dễ bị mắc bệnh, thời gian bệnh sẽ kéo dài hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.


Đu đủ - trái cây giàu vitamin A, C, B1, Folate, ... dễ trồng và được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày

Nguyên nhân gây thiếu vitamin A

* Khẩu phần ăn bị thiếu vitamin A: do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A, bữa ăn thiếu dầu, mỡ làm giảm hấp thu vitamin A. Trẻ nhỏ không được bú mẹ cũng dễ bị thiếu vitamin A.

* Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có liên quan đến thiếu vitamin A như: sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, nhiễm giun,...

* Suy dinh dưỡng protein - năng lượng: trẻ em bị suy dinh dưỡng thiếu protein sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.

Biện pháp phòng ngừa thiếu vitamin A:


Đu đủ - trái cây giàu vitamin A, C, B1, Folate, ... dễ trồng và được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày

* Khuyến khích bà mẹ và gia đình cải thiện bữa ăn bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất cho trẻ nhỏ. Chế độ ăn hàng ngày cần có thức ăn giàu dinh dưỡng và giàu vitamin A như:

* Thức ăn nguồn gốc động vật: thịt, cá, trứng, gan,...

* Thức ăn nguồn gốc thực vật: rau muống, bồ ngót, cà rốt, gấc, đu đủ, xoài,...

Ngoài ra, thức ăn bổ sung cho trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.

* Bổ sung vitamin A liều cao định kỳ 6 tháng một lần cho nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm trẻ 6-36 tháng tuổi và các bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh. Phác đồ bổ sung như sau:

* Trẻ 6-12 tháng: 100.000 đơn vị mỗi lần.

* Trẻ 13-36 tháng: 200.000 đơn vị mỗi lần.

* Phụ nữ trong vòng 1 tháng sau sinh: 200.000 đơn vị một lần.

* Phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống thiếu vitamin A, nhất là các bệnh như: sởi, bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là giun đũa),...

* Tăng cường vitamin A trong một số thực phẩm, được xem là một giải pháp lâu dài để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung và phòng, chống thiếu vitamin A nói riêng. Giải pháp này đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay trên thị trường Việt Nam có nhiều loại thực phẩm tăng cường vitamin A như đường, dầu ăn, bột dinh dưỡng, hạt nêm,...

BS. Trần Thị Minh Ái, Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn