“Họp” và “hành”

Cập nhật ngày: 03/08/2015 06:00:12

Trong tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhân vật cụ cố Hồng với câu nói “cửa miệng”: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Tôi liên tưởng câu nói này với câu chuyện không mới, đó là thực trạng họp hội nhiều mà chúng ta cũng đang “nói mãi” đây nhưng chưa thể chữa dứt “bệnh”.

Có mấy câu “cửa miệng” để minh họa cho cán bộ, công chức khi “được”(hoặc là “bị”) mời họp:

- Lại họp nữa hả, họp hoài cũng vậy mà thôi, có kết quả gì đâu chứ!

- Công việc làm bù đầu hổng kịp mà còn ở đó họp!

- Chết rồi, họp nữa, chiều nay làm sao rước con tui đây!

- Trời, họp và họp, muốn gì thì cứ nói ở đó còn họp với hội!

- Ồ! Đời ở đâu có họp là ta cứ đi!...

Đó là những cảm xúc của những người “bị” và “được” mời họp. Thậm chí, còn có người nói vui, cần tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp giảm họp! Nhưng lỗi ở đâu, hay chính chúng ta vừa là “thủ phạm” vừa là “nạn nhân”của câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này.

Có người còn cho rằng “Họp là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hôm nay. Quan trọng đến mức nhiều thứ không có họp chắc chắn không ra đời nổi!” Có phải như vậy không? Biện minh cho tình trạng họp hội nhiều, chúng ta thường vin vào các lý do: (1) Thể chế vận hành của bộ máy hành chính chưa phân định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành; đó là chưa kể đến “tâm lý” hội đồng, ủy ban, mặt trận... ; (2) Bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng giẫm lên nhau; (3) Chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ, vậy là phải dựa tập thể.

Họp hành lu bù, không thiết thực, kém hiệu quả là sự lãng phí tiền bạc, công sức có thể tính được thông qua giá trị ngày giờ công. Nếu tính đầy đủ đó sẽ là một con số không nhỏ. Nhưng còn những mất mát vô hình khác như lãng phí cơ hội phát triển vì chúng ta không còn đủ thời gian để tiếp cận đời sống xã hội. Đó cũng là nguyên nhân vì sao thực tiễn cuộc sống không hoặc chậm được phát hiện, đúc kết để đưa vào trong các đề án, kế hoạch...

Nếu tiếp tục “đổ lỗi” cho cơ chế thì đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn chấp nhận thực trạng này! Cơ chế đúng là đang làm khó cả hệ thống. Song, nếu chúng ta quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn, thì sẽ có những thay đổi nhất định. Đó là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin. Người ta lại cho rằng, điều này mới chỉ giải quyết được “cái ngọn”, chưa giải quyết được “cái gốc”. Thôi thì trong khi chưa giải quyết được “cái gốc”, thì chúng ta nên xúm nhau lại giải quyết “cái ngọn”; giảm chưa nhiều thì bớt đi một vài cuộc họp, rút ngắn thời gian, giảm bớt thành phần tham dự. Không nên cứ ngồi đó mà ta thán!

Ngày nay, sức mạnh và hiệu quả của công nghệ thông tin là điều ai cũng biết, nhưng đây đó còn xem nhẹ. Truyền thông đa phương tiện không những chuyển tải tài liệu dưới dạng văn bản mà còn cả hình ảnh, âm thanh. Một động tác “cờ-lích” là đã đưa và nhận thông tin đến nhiều người “cùng một lúc, ngay lập tức” và “mọi lúc mọi nơi”. Vậy thì, đâu phải lúc nào cũng cần mọi người bỏ hết công việc đến ngồi một chỗ chỉ để phản ảnh tình hình, nghe chỉ đạo trong khi vẫn còn cách làm khác hiệu quả hơn.

Giảm và nâng cao chất lượng họp hội là một quá trình từ bỏ một thói quen cố hữu. Thói quen được hình thành một thời gian dài, từ bỏ nó đòi hỏi quyết tâm cao. Trước khi quyết định tổ chức cuộc họp, người chủ trì và bộ phận tham mưu cần trả lời mấy câu hỏi: (1) Họp để làm gì? (2) Có thật cần thiết tổ chức họp không, có cách nào khác thay thế họp mà vẫn đạt được yêu cầu không? (3) Thành phần mời có ai thật sự không cần thiết không? (4) Có cần một ngày, một buổi không, hay là chỉ cần nửa buổi hay ít hơn cũng được rồi?

Suy cho cùng, mục tiêu là giảm các cuộc họp hình thức, gây lãng phí tiền của, thời gian chứ không phải “xóa” họp hội. Vẫn có những cuộc họp là cần thiết, thậm chí rất cần thiết để trao đổi, tranh luận là rõ vấn đề, đi đến đồng thuận trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng. Phải vậy không? chúng ta hãy cùng suy ngẫm và hành động!

“Thay đổi nhỏ - Kết quả lớn”!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn