Câu chuyện vé số

Cập nhật ngày: 02/04/2020 13:29:40

Vậy là, vé số kiến thiết, một loại hình đóng góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của nhiều địa phương, đã ngừng phát hành trong một thời gian để góp phần cắt đường lây lan của cơn đại dịch Covid-19. Đâu ai có, ngờ lại có lúc tạm dừng một lĩnh vực đem lại nguồn thu lớn như vậy! Và, cũng không ai lường trước tình cảnh hàng ngàn việc làm cho bà con nghèo khó quê mình đột ngột bị ngưng trệ.


Ảnh: Intenet

Thiệt đúng như ông bà mình hay than: "Nghèo mà còn mắc cái eo"! Cái "nghề" bán vé số không phải đòi hỏi nhiều kỹ năng, mà coi vậy lại là công việc kiếm cơm cho nhiều người khó có thể tìm kiếm công việc mưu sinh nào khác. Già cả có, mà trẻ nhỏ cũng có. Đàn ông con trai cũng có, mà đàn bà con gái cũng có. Người lành lặn cũng có, mà người khuyết tật cũng có. Trời nắng chang chang cũng ráng mà bán cho hết mấy tờ vé mỏng manh còn lại, còn khi trời mưa thì cũng không thể ngồi yên ở nhà khi nhìn xấp vé còn dầy cộm. Bán ở tiệm quán cũng cố, mà bán ở cây xăng cũng ráng. Bán ở lề đường đông người qua lại chưa hết, thì vô từng nhà nhẫn nại mà mời mọc. Sáng ở chợ này, trưa lại có mặt ở bến xe kia, chiều tối lại nấn níu ở góc phố nọ. Có ai đếm được số bước chân, số vòng quay bánh xe mỗi ngày bà con mình lặn lội mưu sinh như thế nào...! Khi "trì kéo", không ít người quảnh mặt quay ngang tỏ vẻ khó chịu thì cũng nuốt nổi buồn vào lòng mà ráng chịu cho qua.

Người mua mà tính tình thân thiện, biết cảm thông thì còn nhẹ lòng. Gặp những người hay cáu gắt thì cũng ráng mà cười gượng, mà năn nỉ ỉ ôi chớ biết sao bây giờ...?!? Hãy nhìn những người già gương mặt khắc khổ với những nếp nhăn hằn trên khoé mắt ngồi ở vệ đường, đáng tuổi cha tuổi chú, chào mời từng tấm vé số mà thiệt là đắng lòng làm sao! Hãy thử tưởng tượng nếu đó là người thân của mình lâm vào tình cảnh như vậy mới biết thế nào là xót xa. Có bao giờ ngẫm nghĩ lại lúc nào đó, trong vô thức, thậm chí là vô cảm, mình đã có những lời nói, hành động làm tổn thương cho những người dễ bị tổn thương thì tối đến chắc khó mà yên giấc? Có bao giờ mình đang sống dư thừa thì có những người thiếu thốn trăm bề mà không chút nghĩ suy? Có bao giờ chúng ta nhớ lại có lúc tỏ ra khó chịu, nặng lời với những người rất cần một sự cảm thông, một lời sẻ chia?

Để có được những trường học khang trang, những trạm y tế tươm tất, những con đường cây cầu kiên cố là một phần nhờ vào nguồn thu từ xổ số kiến thiết. Và, để có được nguồn thu đó, có biết bao con người ngày đêm nhẫn nại làm những việc mà xã hội đôi khi thiếu cảm thông. Giờ đây, những người đó lại đang gặp muôn vàn khó khăn. Bữa cơm hàng ngày có khi còn chưa đủ no, huống hồ là đủ chất dinh dưỡng. Chi phí học hành, chữa bệnh, cho con cái thì thắc thỏm từng ngày. Rồi lúc trái nắng khi trở trời bệnh hoạn thì lấy ở đâu ra bây giờ? Mái nhà thì nay thấm mai dột, buồng vách thì trống trước hụt sau. Trăm việc chỉ trông chờ vào tấm vé số vậy mà giờ đây đang bị ngưng trệ rồi!

Kể từ ngày 2/4, không ít bà con bán vé số dạo lâm vào cảnh khó khăn thắt ngặt. Hơn lúc nào hết, câu tục ngữ: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" đang đánh động tâm thức mỗi người. Bà con mình cần lắm sự chia sẻ của cộng đồng. Con cháu của mình thì nào là cơm tấm là cháo lòng, nào là sữa thông minh là bột dinh dưỡng, còn con cháu của bà con mình thì sao? Có gì khác nhau giữa "mâm cao cổ đầy" với bữa cơm thừa vị mặn, mà thiếu vị ngọt?

Những người bán vé số dạo bị mất nguồn thu nhập hàng ngày là những vấn đề xã hội. "Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển" đâu phải là khẩu hiệu suông, là câu nói để làm đẹp lòng nhau! Để có được điều đó, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Hãy làm một việc gì đó ngay giờ phút bà con khó khăn này, thay vì bình phẩm hay tỏ lòng xót thương! Mỗi người, mỗi nhà, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức, mỗi hội đoàn... hãy bớt chút gì đó mình đang có thì sẽ đủ san sẻ cho hàng ngàn người đang gặp khó!. “Nhiều thì no lòng, mà ít thì cũng mát ruột” bà con mình.

"Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" là câu mà ai cũng từng được nghe, được học từ lớp vở lòng. Vậy thì, chúng ta có thấm được nổi đau, cái khó của những bà con bán vé số dạo hàng ngày khi lâm vào tình cảnh rất khó khăn này không? Các cấp uỷ, chính quyền, Công ty xổ số, các đại lý đang có các chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn cần lắm những tấm lòng thiện nguyện của xã hội.

"Bầu ơi thương lắm bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"! Chúng ta không là "bầu bí" vô tri vô giác nên không biết cảm xúc "chung một giàn" là như thế nào, nhưng cùng giống, cùng nòi, cùng là "Công dân Đất Sen hồng", chúng ta biết rằng mình phải làm gì và sẽ làm gì!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn