Chuyện ở khóm, ấp
Cập nhật ngày: 11/09/2018 15:12:55
00:00/00:00
Error loading: "https://cdn.baodongthap.vn/database/video/20180913060010Chuyen o khom ap.mp3"
Ai cũng biết nền hành chính của mình có 4 cấp và cấp xã là cấp cuối cùng. Tuy nhiên, còn một không gian dân cư, thường được gọi là “cánh tay nối dài” của cấp xã, đó là khóm, ấp.
Trong không gian dân cư đó, "chi bộ cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là đơn vị chiến đấu, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với quần chúng, là trường học giáo dục, rèn luyện, kết nạp đảng viên, là nơi quản lý, phân công, kiểm tra công tác đảng viên". Tuy nhiên, hoạt động của chi bộ khóm, ấp đây đó vẫn còn chông chênh, nhất là khi thực hiện chủ trương "bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp".
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tiếp xúc với Bí thư khóm ở TP.Sa Đéc
Vừa rồi, có dịp gặp mặt chân tình với 37 đồng chí bí thư chi bộ khóm, ấp ở "Thành phố hoa", có nhiều cảm xúc lắm! Nhiều đồng chí sau một thời gian cống hiến ở ngành này, ngành nọ, đến khi về hưu lại được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Có đồng chí trưởng thành từ phong trào ở địa phương và được Đảng uỷ tin tưởng giới thiệu bầu vào chi uỷ và đứng đầu chi bộ. Có người trải qua hai ba nhiệm kỳ, cũng có người mới tham gia lần đầu. Nhưng tựu trung lại, tất cả vẫn miệt mài phục vụ cho Đảng, cho nhân dân. Dường như ở các đồng chí đó, bầu nhiệt huyết vẫn tràn đầy, cho dù sức khoẻ không còn như thời tuổi trẻ. Cái “vốn” kiến thức là các lớp bồi dưỡng ngắn ngày dành cho bí thư chi bộ, chủ yếu về các quy định của Đảng về sinh hoạt chi bộ, về quản lý đảng viên. Vậy là làm hết mình, lặn lội "từ đầu làng đến cuối xóm", trong khi chế độ, chính sách còn nhiều bất cập, có khi không khỏi chạnh lòng…
Bây giờ thì theo yêu cầu của Đảng, bí thư chi bộ lại kiêm thêm nhiệm vụ trưởng ban nhân dân khóm, ấp. Hai vai đều nặng cả, một bên là người đứng đầu tổ chức đảng với vài mươi đảng viên, một bên là cánh tay nối dài về mặt hành chính với hàng ngàn người dân. Vậy là, vừa quản lý các đảng viên, vừa chăm lo cho người dân, chăm lo cho chính mình và gia đình. Một số đồng chí tâm sự: chế độ, chính sách thì cũng rất cần nhưng cần hơn là sự quan tâm, những lời động viên chia sẻ, từ cấp trên, rồi cấp trên nữa... Trong khi đó, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thì còn khô cứng, lại thiếu cập nhật thông tin, tập huấn kiến thức và kỹ năng. Vậy là, còn có quá nhiều việc để đưa Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn đi vào thực tiễn.
Bí thư chi bộ là "hiện thân của Đảng" trong mắt không chỉ đảng viên trong chi bộ, mà còn của người dân. Trưởng ban nhân dân khóm, ấp là "hiện thân của chính quyền" trong một xã hội thu nhỏ. Nhưng trên hết đó là những “thủ lĩnh” thật sự của người dân trong cộng đồng dân cư, người luôn gần gũi, lắng nghe, chia sẻ những chuyện đời thường hàng ngày liên quan với bà con mình. Không những vậy, người thủ lĩnh đó phải biết truyền cảm hứng bằng sự chân thành để tập hợp bà con tham gia "chuyện xóm, chuyện làng", cùng nhau hợp tác để thay đổi làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Xây dựng thôn mới, khu phố văn minh đâu ở đâu xa mà bắt đầu ở những “tế bào” của xã hội là khóm, ấp đó thôi.
Người dân đến với Đảng qua hình ảnh một bí thư - một trưởng ban nhân dân - một vị thủ lĩnh, mà bà con có thể gặp bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Nhẹ nhàng, gần gủi, không câu nệ cấp bậc xã hội. Gặp để được chia sẻ, được lắng nghe, được giúp đỡ những chuyện đậm hơi thở của cuộc sống xóm làng, từ chuyện ăn ở, học hành, chăm sóc sức khoẻ, thất nghiệp, làm ăn thất bại, cuộc sống khó khăn,... . Có những chuyện nếu được giải quyết ngay từ khi manh nha ở cộng đồng sẽ không để “cái sẩy nẩy cái ung” về sau. Sức mạnh của cơ sở là ở đó!
Tất nhiên khóm, ấp thì lấy đâu ra đủ nguồn lực vật chất để có thể hỗ trợ bà con. Vậy là, người “thủ lĩnh” của dân cần có khả năng nối kết các nguồn lực từ xã hội, từ tinh thần hợp tác của cộng đồng, từ các chính sách của cấp trên đang manh mún, chia năm xẻ bảy... Vấn đề là, người “thủ lĩnh” của dân phải có đủ tín nhiệm về sự công tâm, minh bạch, thậm chí có thể thiệt thòi một chút so với bà con của mình để nối kết với nơi này nơi kia. Đảng giao cho mình và mình cũng đã thề dưới lá cờ Đảng là phải chăm lo cho người dân là vậy mà!
Một vài đồng chí bí thư chi bộ tâm sự: Đây là lần đầu tiên được đến trụ sở huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ đó! Vậy là có gì hơi lạ! Vậy là, người đứng đầu cấp uỷ cấp huyện chưa chủ động tổ chức các không gian tiếp xúc định kỳ với những đồng chí được giao nhiệm vụ gắn bó với cơ sở rồi. Hay là, chúng ta chỉ lãnh đạo theo thứ bậc, tầng nấc? Một buổi gặp mặt, một vài thông tin được cập nhật về tình hình địa phương, vài lời động viên chia sẻ, những gợi ý về cách tổ chức hoạt động của cộng đồng dân cư, có thể còn hơn cả những bài giảng trong những lớp bồi dưỡng các chức danh.
Mà hơn nữa, cách làm như vậy còn là "sợi dây gắn bó" trong hệ thống chính trị, trong hệ thống tổ chức đảng của mình nữa. Có đúng vậy không?
Lê Minh Hoan