Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu

Cập nhật ngày: 26/06/2020 10:06:47

(Tiếp theo)

2. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020

2.1. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, các lĩnh vực tăng trưởng khá

Kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và toàn diện, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,6%, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến theo định hướng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phương thức sản xuất theo hướng “hợp tác - liên kết - thị trường” được hình thành, trở thành nhu cầu tất yếu trong xu hướng sản xuất mới, thay đổi tư duy, nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất làm tiền đề cho giai đoạn sau. Các ngành hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt kết quả tích cực; trong đó, ngành hàng xoài và hoa kiểng đạt kết quả cao, nâng cao giá trị, ổn định vùng sản xuất và sản xuất hoa kiểng kết hợp với phát triển du lịch đã thúc đẩy phát triển đa dạng các dịch vụ; ngành hàng cá tra phát triển tốt, mang lại giá trị xuất khẩu cao; ngành hàng lúa gạo đã phát triển theo xu hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, tạo nền tảng cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan toả; thu hút gần 50 dự án đầu tư, với hơn 5.300 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, nâng cao chất lượng sống của dân cư nông thôn. Ước tính đến cuối năm 2020, có 98/117 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 84% (kế hoạch 50%); thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Tháp Mười được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 2 đơn vị cấp huyện theo Nghị quyết đề ra).

Mô hình Hội quán được hình thành và phát triển, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Đã có 92 Hội quán được thành lập ở 12 huyện, thị xã, thành phố, phát huy tinh thần liên kết, gắn bó giữa các thành viên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng thích ứng với thị trường và đã có 19 hợp tác xã được thành lập từ Hội quán. Phát triển kinh tế hợp tác luôn được quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, giai đoạn 2016 - 2020, thành lập mới 78 hợp tác xã, nâng tổng số trên địa bàn Tỉnh có 220 hợp tác xã, tăng 24 hợp tác xã so với năm 2015.

Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, đi vào chiều sâu, nhiều ngành hàng chủ lực của Tỉnh tăng trưởng tốt. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư; đến nay, tỷ lệ lấp đầy 03 khu công nghiệp đạt khoảng 96,7%; 14 cụm công nghiệp, lấp đầy khoảng 73%. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được quan tâm, hỗ trợ phát triển.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch khá khởi sắc, các sản phẩm nông nghiệp của Tỉnh được đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ của các đơn vị có uy tín của cả nước; sức mua hàng hoá, dịch vụ tăng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng tốt và giá trị vượt 01 tỷ USD/năm. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh; tiềm năng du lịch được khai thác ngày càng hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Tỉnh.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) luôn đứng ở thứ hạng cao và 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu về PCI của cả nước, góp phần thu hút 168 dự án đầu tư trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký hơn 17.660 tỷ đồng (có 08 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD). Tỉnh có thêm 2.622 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 17.900 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 4.244 doanh nghiệp.

Hoạt động khởi nghiệp được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nên tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Thực hiện chương trình khởi nghiệp sáng tạo, có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù của Tỉnh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển các sản phẩm mới có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến tại các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp và đã có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.

Thực hiện đúng các quy định về thu, chi ngân sách, quản lý chặt chẽ, điều hành linh hoạt, tiết kiệm chi; khai thác hợp lý các nguồn thu hiện có, tăng thu ổn định. Công tác đầu tư phát triển được tập trung thực hiện, tăng cường huy động nguồn lực xã hội gắn với tái cấu trúc đầu tư công; ưu tiên đầu tư theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các trung tâm kinh tế lớn của Tỉnh, các chương trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng phục vụ tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, phát triển nhân lực và an sinh xã hội. Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội trong 5 năm (2015 - 2020) ước đạt hơn 83.500 tỷ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Mạng lưới đô thị của Tỉnh tiếp tục được mở rộng, phát triển, định hình rõ nét. Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị được quan tâm, trong đó quy hoạch thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự theo hướng kết nối và tác động liên vùng, làm cơ sở để phân bổ nguồn lực, góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị. Toàn Tỉnh có 02 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 03 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hoá đến cuối năm 2020 ước đạt 38%.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên theo hướng phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, kết hợp phòng ngừa, kiểm tra và xử lý.

Hình ảnh Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua hình ảnh thân thiện và năng động, là điểm đến của nhiều du khách, khẳng định thương hiệu “Đất Sen hồng”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hoá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Sản xuất công nghiệp quy mô và tính đa dạng chưa cao, chưa có bước đột phá mới. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại, dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch phát triển chưa bền vững. Thu hút đầu tư còn hạn chế, thực hiện xây dựng cơ bản còn chậm; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển nhanh về kinh tế. Việc tiếp cận và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế. Nguồn thu ngân sách chưa đa dạng, bền vững. Quản lý tài nguyên còn bất cập, việc tích tụ, tập trung đất đai chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra; chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

(Còn tiếp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn