“Đừng vung tay, hãy cầm tay”

Cập nhật ngày: 24/11/2014 06:04:47

Bạo lực gia đình đang là một vấn đề xã hội nghiêm trọng xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gia đình lẽ ra phải là một nơi đầy tình thương yêu, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam, gia đình lại là nơi phát sinh sự sợ hãi, đau đớn và khổ sở.


Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân mong muốn mỗi gia đình phải là một nơi đầy tình thương yêu, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Ảnh: VGP/Từ Lương

Sáng 23/11, giải chạy “Khơi nguồn yêu thương” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tổ chức đã diễn ra tại bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng chương trình phòng chống bạo lực giới. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dự và phát biểu tại sự kiện ý nghĩa này.

Có tới 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng một lần trong đời chịu đựng bạo lực về tinh thần, thể chất hoặc tình dục. Một nửa trong số đó chưa từng nói cho người thứ 3 biết.

Một thống kê khác cho thấy từ năm 2009 đến 2012, cả nước có tới 178.847 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực đối với phụ nữ là 106.520 vụ (chiếm 60%). So với những nỗi đau về thể xác và tinh thần do bạo lực gia đình mà họ phải chịu đựng ngay lúc đó, hậu quả đối với phụ nữ còn lớn hơn rất nhiều. Bạo lực gia đình gây ra những căng thẳng, ốm đau và tổn thương lâu dài trong suốt cuộc đời người phụ nữ và cả con cái của họ khi buộc phải chứng kiến.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tổ chức sự kiện ý nghĩa này, đồng thời nêu rõ bạo lực gia đình đang là một vấn đề xã hội nghiêm trọng xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tham gia giải chạy “Khơi nguồn yêu thương”. Ảnh: VGP/Từ Lương

Gia đình lẽ ra phải là một nơi đầy tình thương yêu, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam, gia đình lại là nơi phát sinh sự sợ hãi, đau đớn và khổ sở. Người phụ nữ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực ngay trong chính gia đình mình chứ không phải là ở một nơi khác trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tương đối hoàn chỉnh và có phần tiến bộ so với nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật phòng chống Bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là những người dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình như người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Điều này cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.


Hình ảnh lễ trao giải. Ảnh: VGP/Từ Lương

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, hội viên của mình thực hiện tốt pháp luật phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, hướng tới một xã hội văn minh, không còn những nỗi buồn đến từ chính những tế bào của xã hội là mỗi gia đình.

Từ Lương (Chinhphu.vn)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn