Đã có ít nhất 11 người chết và mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền trung

Cập nhật ngày: 15/10/2016 14:57:06

Tính đến trưa nay 15-10, đã có 11 người chết và mất tích trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình do mưa lũ. Mưa lớn và nước lũ dâng cao cũng đã làm ngập hàng chục nghìn ngôi nhà cùng với một diện tích lớn cây trồng của người dân. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông tê liệt, làm cô lập nhiều vùng dân cư, đặc biệt là ở Quảng Bình.


Ngập lụt tại xã Quảng Thuận, thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình). (Ảnh: VTV)

Tính đến trưa nay, ngoài hai người thiệt mạng ở Hà Tĩnh, ở Quảng Bình đã có năm người chết, bốn người mất tích và bảy người bị thương do mưa lũ. Toàn tỉnh có 26.920 ngôi nhà bị ngập, trong đó nặng nhất là huyện Tuyên Hóa có 6.513 nhà ngập nặng. Có 15 nhà bị ngập sâu tới 3m.

* Đến sáng 15-10, mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt nhiều địa phương tại các tỉnh miền trung, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu. Đặc biệt, đợt mưa lũ đã làm 9 người chết và mất tích, 12 người bị thương.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng ATNĐ và mưa lũ tính đến 20 giờ, ngày 14-10-2016 như sau: Đã có 5 người chết (Quảng Bình 3, Thừa Thiên - Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7). Về nhà cửa: bị sập 7 nhà, hư hại 764 nhà, bị ngập 27.184 nhà (trong đó Quảng Bình 26.920 nhà, Thừa Thiên - Huế 186 nhà, Quảng Trị 78 nhà). Về sản xuất nông nghiệp: hầu hết tại các tỉnh đã thu hoạch lúa; 202 ha hoa màu, 42 ha cây lâu năm, 470 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy; 200m kênh mương, 200m bờ sông, 205m đường giao thông bị sạt lở.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gậy ngập lụt 9 xã tại huyện Hương khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập gây cản trở giao thông.

Tại Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Bắc - Nam qua xã Văn Hóa (huyệnTuyên Hóa) bị ngập; các tuyến đường Quốc lộ: 9b, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5 – 0,8m gây ách tắc giao thông.

Tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình), nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1m – 2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn: đường vào bản đồng bào Rục, đường nối xã Tân Hóa và Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh vào xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa); đường từ thị trấn Hoàn Lão đi các xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Tây Trạch và đường từ trụ sở xã Cợ Nẫm đi các thôn Hà Môn, Mỹ Sơn (huyện Bố Trạch); đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa (huyện Quảng Trạch). Đã thực hiện di dời 78 hộ (Quảng Trạch), 1.500 hộ (Bố Trạch) và 278 hộ (huyện Tuyên Hóa) đến nơi an toàn.

Tại Quảng Trị: Mưa lớn đã gây ngập lụt một số tuyến giao thông nông thôn gây chia cắt nhiều vùng trũng thấp của huyện Hải Lăng. Đến 20 giờ, ngày 14-10, mưa đã giảm, nước rút, giao thông cơ bản bình thường, trừ tại một số ngầm tràn.

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn từ đêm 13 đến sáng 14-10 đã gây ngập lụt một số tuyến đường tại TP Huế và huyện Phong Điền từ 0,2 – 0,3m; đến tối 14-10 nước đã rút, giao thông trở lại bình thường.

Các địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích, chỉ đạo các lực lượng tiếp tục sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ và khắc phục hậu quả.

Theo nhóm PV NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn