ĐBSCL: Trong thách thức có cơ hội để phát triển

Cập nhật ngày: 27/09/2016 06:25:59

Nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với những thách thức cả về phát triển bền vững kinh tế và môi trường nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong khó khăn từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và sụt lún nền đất thì vùng vẫn có cơ hội để vươn lên.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định ĐBSCL dù đối mặt với khó khăn của phát triển bền vững trong thời gian tới, kể cả về kinh tế và môi trường, nhưng vẫn có cơ hội vươn lên. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội nghị thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL vào sáng 26/9 tại Cà Mau là cơ hội quan trọng để Chính phủ, các địa phương trong vùng và các nhà khoa học nhận định rõ ràng về những thách thức của BĐKH đối với sự phát triển của vùng này khi mà sự thay đổi của tự nhiên đã tác động rõ rệt qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào đầu năm nay.

3 thách thức của tự nhiên tại ĐBSCL

Báo cáo của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam đã có kịch bản BĐKH vùng ĐBSCL. Được hoàn thành xây dựng từ năm 2009, tới nay kịch bản này đã 2 lần được chỉnh sửa và gần đây nhất là giữa năm nay. Dù là kịch bản nào thì môi trường tự nhiên, nguồn nước của vùng sẽ bị thay đổi một cách tiêu cực, ảnh hưởng tới sinh thái, văn hóa và sinh kế của người dân nếu không có các giải pháp về kỹ thuật để thích ứng, các công trình ứng phó với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn…

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng: “Bên cạnh việc phải có nhận thức rõ hơn nước không còn là vô tận nên phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, cũng cần phải coi nước mặn không phải là 'kẻ thù' mà là một dạng tài nguyên, như một số nước đã làm (Hà Lan trồng khoai tây trên vùng đất mặn, Israel cung cấp nước ngọt từ nước biển, đến năm 2020, tại quốc gia này, nước ngọt được chế biến từ nước biển sẽ chiếm tới 25% tổng lượng nước ngọt...). Trong lưu vực sông Mekong gồm có 6 nước, nhưng chỉ duy nhất ĐBSCL là tiếp giáp với biển, đây là một nét đặc thù, thì tại sao từ thách thức này, mình không biến nó thành lợi thế, là thời cơ để phát triển, mà phải chống lại nó?”.

Vẫn theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, quốc tế và Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức, phải xem nước sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; thứ hai, sự khan hiếm nước ngọt, nước ngọt không còn là của “trời cho” và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai; thứ ba, tại vùng phải chung sống với nước mặn, nên xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác; thứ tư, vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH và phát triển phải đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, và thứ năm là phải khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước. “Đó là những điều kiện tiên quyết để ĐBSCL phát triển và đi tới”, GS Nguyễn Ngọc Trân nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Lanh, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng ngoài xu hướng đánh đổi trong chiến lược phát triển kinh tế, sự chủ quan trong tư duy và hành động của các bộ, ngành, địa phương cũng là điểm hạn chế trong ứng phó BĐKH. Hầu hết các chính sách, văn bản liên quan đến ứng phó với BĐKH đều kêu gọi “cần chủ động”, “cần nỗ lực”, song hiệu quả thực thi lại khá nửa vời. Đơn cử như đợt hạn hán lịch sử đầu năm 2016, mặc dù đã được dự báo trước về mức độ cũng như tác động của thiên tai, song khi đối phó các địa phương tỏ ra lúng túng.

Nói về vai trò quản lý nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng của các bộ, ngành và địa phương, GS. Nguyễn Ngọc Trân nhận định “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp” và đề nghị Chính phủ cần khắc phục bằng cách triển khai cụ thể Quyết định của Thủ tướng về thí điểm liên kết vùng ĐBSCL vừa mới được ban hành.

Bàn về các giải pháp công trình để ứng phó với hạn mặn, thiếu nước ngọt, chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng không cần làm các công trình lớn ngăn mặn vì nếu làm sẽ tạo ra tác động ngược khi mà chế độ “nước lớn”, “nước ròng” đã hình thành hệ sinh thái giữa đất liền và biển, tạo nên vùng đồng bằng phì nhiêu như ĐBSCL. Nếu các sông, kênh lớn bị chặn lại thì gây ra hiện tượng tù đọng, ô nhiễm, mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, cá tôm không sống được và mất hết các nét văn hóa của vùng. Do đó, ông Thiện cho rằng nên làm công trình cống, đập nhỏ trong vùng.


Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng Ban Chỉ  đạo quốc gia về ứng phó với BĐKH cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật kịch bản BĐKH để ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tham gia thảo luận tại hội nghị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng Ban Chỉ  đạo quốc gia về ứng phó với BĐKH nhận định ba thách thức với vùng là nước biển dâng đi liền với xâm nhập mặn, các công trình thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn sông Mekong gây ra tình trạng lũ về ít và muộn ở ĐBSCL và cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2 cm/năm do tự nhiên, do khai thác nước ngầm quá mức.

“Ba thách thức này không phải là dự báo nữa mà hiện hữu rồi, phải nhận thức và xử lý một cách biện chứng, không tách rời để không có chuyện ta bỏ vùng đồng bằng này đi mà phải sống, phát triển, đi lên từ đồng bằng này, phải phát triển bền vững, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đi liền với đô thị hóa, bảo vệ đất nước”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, đồng thời cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật kịch bản BĐKH để ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, phát huy được các lợi thế của vùng.

Tính toán kịch bản xấu nhất cho hoạch định chính sách phát triển vùng

Ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định ĐBSCL đang đối mặt với khó khăn của phát triển bền vững trong thời gian tới kể cả về kinh tế và môi trường. Những thách thức này đến từ BĐKH, cách quản lý tài nguyên nước của các quốc gia ở thượng nguồn, tác động tới dòng chảy, lượng nước và chất lượng nước, cả vấn đề mất đi các trầm tích phù sa và đa dạng sinh học mà hàng thế kỷ mới có thể gây dựng được.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhìn nhận thách thức đến cả từ bản thân yếu kém của quốc gia khi sử dụng cạn kiệt tài nguyên rừng, nước, đa dạng sinh học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề quản lý Nhà nước “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp”.

“Thách thức này không phải cực đoan, nhất thời mà có tính bản chất, mức độ nghiêm trọng tác động sâu sắc tới sản xuất, đời sống, môi trường, trật tự an toàn xã hội của vùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Tuy nhiên, từ các nhận định và kiến giải của các nhà khoa học, nhà quản lý, Phó Thủ tướng tin tưởng: “Bên cạnh thách thức thì vẫn có cơ hội để phát triển. Do đó, nhận thức của ta phải bình tĩnh, không hoang mang vì người dân có truyền thống thích ứng với tự nhiên, có sự quan tâm của cả nước và giúp đỡ của quốc tế”.

Nhưng Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không chủ quan và tính tới cả tình huống xấu nhất. Bởi nếu 3 vấn đề nước biển dâng, lũ về ít và muộn, sụt lún nền đất xảy ra cùng lúc thì có thể xóa sổ nỗ lực của ta khi không tính đến tình huống xấu nhất”.

Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật kịch bản BĐKH, có tính tới cả cấp huyện và tích hợp kịch bản này vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm, đặt trong tái cơ cấu nền nông nghiệp để thích ứng, ứng phó với tác động tiêu cực của BĐKH.

Việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phải đồng bộ, phát huy vai trò của các bộ, ngành, địa phương và dựa vào cộng đồng dân cư; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tạo ra các cây, con thích ứng với hạn, mặn. Đối với các công trình kiểm soát mặn và trữ ngọt, Phó Thủ tướng cho rằng không thể không làm vì liên quan tới kiểm soát, bảo đảm trữ ngọt cho cả bán đảo Cà Mau và tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng các bộ phải tính toán giải pháp công trình để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sinh thái và văn hóa của vùng.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ khuyến khích các địa phương gắn kịch bản và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi tiểu vùng để bảo đảm hiệu quả của tính liên kết.

Sau hội nghị này, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, xây dựng kỷ yếu hội nghị để thống nhất nhận thức và các giải pháp thích ứng với BĐKH, quản lý hiệu quả nguồn nước trong thời gian tới.

Thành Chung/Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn