Thái Lan xả 11,4 triệu tấn gạo tồn kho: Lo lắng là không thừa!
Cập nhật ngày: 09/05/2016 10:00:48
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo ngại động thái xả gạo tồn kho của Thái Lan sẽ làm tăng lượng cung trên thị trường, tạo áp lực giảm giá.
Thái Lan mới công bố kế hoạch bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong tháng 5 và 6 tới. Ngay trong tuần qua, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết đã tổ chức các đợt đấu giá xuất khẩu gạo, với số lượng khoảng 1 triệu tấn. Kế hoạch này nhằm đẩy nhanh giải quyết tồn kho, trong đó đa phần là gạo giá thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo ngại động thái này sẽ làm tăng lượng cung trên thị trường, tạo áp lực giảm giá lên gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Sẽ bị cạnh tranh gay gắt
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), lũy kế ký hợp đồng xuất khẩu gạo của VN từ đầu năm đến ngày 21.4.2016 đạt 3,138 triệu tấn, tăng 23,01% so cùng kỳ 2015. Giá gạo xuất khẩu của VN hiện ở mức 370 - 380USD/tấn (gạo 5% tấm), 355 - 365USD/tấn (gạo 25% tấm), đã thu hẹp khoảng cách so với giá gạo Thái Lan (tương ứng là 380-390/365-375USD/tấn).Giá gạo VN cũng cao hơn giá gạo của Pakistan, Ấn Độ tại thời điểm hiện tại.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kế hoạch bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho của Thái Lan được đánh giá là khó khả thi bởi thời gian thực hiện có thể sẽ kéo dài. Phần lớn trong số đó là gạo chất lượng thấp, gạo cũ, cả gạo hỏng, chỉ sử dụng được cho chế biến công nghiệp và chăn nuôi, không phải là phân khúc mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu Thái Lan giảm giá, đẩy mạnh bán ra toàn bộ lượng gạo này thì lượng cung trên thị trường sẽ tăng, tạo áp lực giảm giá lên các giao dịch kéo theo tâm lý thị trường bất lợi cho giao dịch xuất khẩu gạo của VN.
Phía Bộ Công Thương cũng dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo VN sẽ bị cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng, thương hiệu. Với diễn biến giá cả nội địa như hiện nay, các thương nhân xuất khẩu gạo của VN khó có thể chào bán với giá thấp, lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt sẽ không còn. Hai nước Pakistan và Ấn Độ, với lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, luôn có giá bán cạnh tranh tại thị trường Trung Đông, Châu Phi. Bên cạnh đó, gạo VN còn chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng với nguồn cung cấp từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ tại nhiều khu vực thị trường quan trọng.
Theo dõi thị trường gạo thế giới
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong quý I, việc triển khai thực hiện các hợp đồng tập trung Philippines và Indonesia ký cuối năm trước, nguồn cung gạo nhiều nước bị sút giảm, thúc đẩy giao dịch trên thị trường đã tạo ổn định và tăng trưởng xuất khẩu gạo của VN so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, tác động ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL khiến nguồn cung giảm, tạo tâm lý thị trường đẩy giá thóc, gạo nội địa tăng, kéo theo giá gạo xuất khẩu của VN tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn dự báo sẽ tiếp tục tác động bất lợi đến sản xuất và nguồn cung thóc, gạo, hàng hóa. Thực tế này đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình và đánh giá đúng thực tế mức độ thiệt hại để có giải pháp phù hợp trong công tác điều hành, tránh tác động tâm lý thị trường gây bất ổn, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Mới đây tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, lo ngại bị cạnh tranh với gạo phẩm cấp thấp của Thái Lan là có cơ sở. Giải pháp để tháo gỡ tình hình là tự bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải trực tiếp rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng khả năng xuất khẩu sang các thị trường, có biện pháp bám sát các hợp đồng đã ký, tìm cách giữ thị trường.
Về phía Bộ Công Thương, bộ sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu của hạt gạo VN. Bên cạnh đó, bộ sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường. Triển khai có hiệu quả cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vào các thị trường trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các thị trường truyền thống, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới.
Theo Hồng Quân-Khánh Linh/Báo Lao động