Thiệt hại do thiên tai ước khoảng 17.000 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 04/11/2020 14:58:39

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể cơ sở hạ tầng).


Quảng Trị chìm ngập trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 8-10

Báo cáo về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký vừa được gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, khóa XIV vào sáng nay.

Bản Báo cáo cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Cụ thể, đã có tới 5 cơn bão (số 5, 6, 7, 8, 9) đổ bộ vào các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử.

Trong đó, cơn bão số 9 đi vào Biển Đông sáng 26-10, gió đạt đến cấp 14, giật cấp 17; trưa ngày 28-10 đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11 - 12 giật cấp 14 - 15, thời gian lưu bão kéo dài (6 tiếng), kèm theo mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An, Quảng Nam đến Bình Định. Đây là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và đổ bộ ngay sau khi khu vực miền Trung vừa mới bị tổn thương rất nặng nề do bão và mưa lũ trước đó.

Lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi mưa trên 3.000mm; một số nơi có mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị) 3.337mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 3.446mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 3.025mm. Mưa to đã gây lũ lớn trên toàn hệ thống sông trong khu vực.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 sông đã vượt mức lũ lịch sử gồm: sông Bồ (Thừa Thiên - Huế); sông Thạch Hãn, sông Hiếu (Quảng Trị), sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thu Bồn (Quảng Nam) và 10 sông khác ở mức báo động 3 đến trên báo động 3 xấp xỉ 2m…

Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 19-10, có trên 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày. Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với trên 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2-3m.

Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ.

Vẫn theo báo cáo nêu trên, thiệt hại do bão lũ rất nặng nề: 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9: 80 người). Trên 201 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà). Về giao thông, trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).

Chính phủ khẳng định, ngoài những giải pháp đã thực hiện, thời gian tới sẽ tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện tiếp tục tập trung tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, quá trình tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn - báo cáo nêu rõ.

Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau bão, lũ, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa bị cô lập, chia cắt giao thông. Hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người bị nạn. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng quân đội, công an và đoàn thể các cấp ở địa phương.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở... đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai. Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, phân bổ nguồn lực và có các giải pháp cụ thể về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các công trình giao thông, trường học, bệnh viện, nhà chống bão lũ cho người dân.

ANH PHƯƠNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn