Thủ tướng: Hội nhập quốc tế góp phần nâng cao vị thế quốc gia

Cập nhật ngày: 23/04/2019 10:36:35

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và nêu ra những vấn đề cần thảo luận, làm rõ.

Sáng 23/4, tại Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì Hội nghị.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; các ban, bộ, ngành, 63 địa phương tại các đầu cầu, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động. Đặc biệt tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong trung và dài hạn.

Từ giai đoạn ban đầu Hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên Hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết của số 22 của Bộ Chính trị (ban hành thãng 4/2013). Nội hàm của Nghị quyết là chủ động hội nhập toàn diện trên ba trụ cột: chính trị - quốc phòng - an ninh; kinh tế; khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Đại hội XII (1/2016) đã xác định “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban được thành lập ngày 23/4/2014 với 3 Ban Chỉ đạo liên ngành trên ba trụ cột do các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực làm Trưởng ban. Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế bằng nhiều Nghị quyết, văn bản, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế,tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.

Thủ tướng đã nêu một số kết quả cụ thể của hội nhập quốc tế, đặc biệt trong 5 năm qua. Cụ thể là góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội; lớn nhất là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.

Nước ta cũng đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA..., mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững

Cùng với đó, nước ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF- ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (2/2019)... Đây là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của nước ta.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và nêu ra những vấn đề cần thảo luận, làm rõ.

Trong đó, cần đánh giá việc triển khai các Nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kếu quả thực hiện 5 mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới. Trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó là xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững. Từ đó góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030...

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu kiểm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban chỉ đạo liên ngành; đặc biệt lưu ý những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành để triển khai nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Vũ Dũng/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn