Thủ tướng nhắc việc 'xây hồ trên đỉnh đồi gây thiệt hại lớn về người'

Cập nhật ngày: 20/06/2019 17:48:18

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới sáng 20-6.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai - Ảnh: CHÍ TUỆ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa bao giờ có hội nghị có thành phần tham dự tới 25.000 người trên cả nước, chứng tỏ hệ thống chính trị, cấp ủy chính quyền địa phương thấy được tầm quan trọng, trách nhiệm đối với tính mạng, tài sản của nhân dân trong công tác phòng chống tiên tai.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, thiệt hại do thiên tai vẫn còn lớn. Năm 2018, thiên tai không nhiều nhưng 224 người chết, thiệt hại về kinh tế gần 1 tỉ USD.

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là 1 trong 10 nước bị thiên tai lớn nhất, nếu không chủ động phòng chống thì thiệt hại rất lớn, trách nhiệm rất nặng nề.

"Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, phải chung tay phòng chống thiên tai một cách chủ động, cấp ủy chính quyền đều phải có phương án phòng chống tiên tai vì thiên tai xảy ra bất cứ nơi nào tại miền núi, sông biển, đồng bằng, đô thị… như chúng ta đã chứng kiến những năm qua", Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, trong khi việc cứu hộ trên biển tốt thì trên đất liền năm nào cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ vài trăm người do chủ quan, do cảnh báo… Khả năng chống chịu các công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, nhiều đô thị úng ngập, hệ thống giao thông thường xuyên sạt lở khi mưa lớn…

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng năng lực cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, chưa theo kịp diễn biến thiên tai bất thường của biến đổi khí hậu.

"Một số tỉnh lặp lại tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho thấy công tác phòng ngừa thiên tai chưa được quan tâm đúng mức trong kế hoạch kinh tế xã hội của địa phương như xây dựng khu dân cư vào đúng khu vực lũ quét, sạt lở đất, xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp...

Có tỉnh xây hồ trên đỉnh đồi trong khi bên dưới là dân cư rồi bị vỡ do mưa lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản", Thủ tướng nhắc nhở một số địa phương.

Thủ tướng đánh giá những tồn tại trên là do chủ quan con người, do nhận thức, ý thức, trách nhiệm còn rất thấp. Thậm chí có nơi quy hoạch xây dựng bừa bãi các công trình có thể ảnh hưởng đến tính mạnh và tài sản của người dân.

Trong một số trường hợp, công tác, khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, lúng túng, rườm rà, quy trình tiếp nhận viện trợ phục vụ cứu trợ khẩn cấp còn phức tạp, dẫn tới chưa kịp thời.

"Việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm, sau khi xảy ra thiên tai thì 1-2 tháng mới làm đề xuất hỗ trợ, thiên tai là 'nhất thủy nhì hỏa' thì phải làm kịp thời, nhiều địa phương nhận được hỗ trợ nhưng 6 tháng đến 1 năm mới phân bổ hết, chưa sử dụng chưa đúng mục đích, triển khai còn chậm, kéo dài.

Ví dụ khắc phục sự cố hồ đập ở nhiều địa phương gần 1 năm nay chưa triển khai, yêu cầu Bộ NN&PTNT phải rà soát, kiểm điểm các địa phương làm chậm việc nâng cấp, gia cố hồ đập, không để tình trạng đang mưa lũ mới gia cố" - Thủ tướng nói.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới - Ảnh: CHÍ TUỆ

Thủ tướng khẳng định quan điểm cần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, đây là nhiệm vụ của của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội. Phòng chống thiên tai theo hướng phòng ngừa là chính, không để xảy ra rồi mới phòng chống.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chính.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ ràng thẩm quyền trách nhiệm từng thành viên để hoạt động kịp thời, hiệu quả.

Rà soát cập nhật phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để tránh bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tuyên truyền, tập huấn, đào tạo.

Bộ Tài nguyên - môi trường cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, đồng thời phải bổ sung các trạm khí tượng thủy văn, công nghệ dự báo tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời nâng cao khả năng kết cấu công trình hạ tầng chống chịu thiên tai và nâng cao cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống thiên tai.

CHÍ TUỆ (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn