Thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên phạm vi cả nước

Cập nhật ngày: 01/04/2019 09:28:21

Thực hiện Quyết định số 772/QÐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, bắt đầu từ hôm nay, 1/4/2019, ngành Thống kê triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.


Ðồng bào dân làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Ðịnh) tìm hiểu thông tin về Tổng điều tra. Ảnh: MAI HOÀNG

Đây là Tổng điều tra có quy mô lớn, được Tổng cục Thống kê thực hiện 10 năm một lần trên phạm vi cả nước. Thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ Tổng điều tra này có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, làm căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Bên cạnh đó, thông tin thu thập từ cuộc Tổng điều tra này sẽ sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và phục vụ cho các mục đích khác của công tác thống kê, hướng tới năm 2029 và về sau không tiến hành Tổng điều tra dân số.

Ngành Thống kê thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức bởi quy mô của Tổng điều tra rất lớn, dự kiến lên tới hơn 94 triệu dân với khoảng hơn 26 triệu hộ, địa bàn trải rộng khắp cả nước, gồm những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển và lực lượng điều tra viên được huy động lên tới hơn 100 nghìn người. Ðể huy động lực lượng điều tra viên đủ về số lượng, có trình độ đáp ứng yêu cầu về sử dụng thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính) vào quá trình thu thập thông tin cũng là vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, công tác điều tra thu thập thông tin cũng không hề đơn giản.

Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin trên hai nhóm phiếu: điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi, điều tra các thông tin về dân số cơ bản và thông tin về nhà ở của hộ. Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn nhiều, mẫu được tiến hành trên 9% dân số cả nước, với 65 câu hỏi, ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến: Dân số (tình trạng di cư và lý do di cư; tình trạng khuyết tật; tuổi kết hôn lần đầu; tình trạng lao động việc làm); lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…

Vấn đề đặt ra là công tác tập huấn các cấp từ Trung ương tới địa phương được thiết kế ra sao để giúp điều tra viên có thể tiếp cận người dân hiệu quả nhằm có được thông tin đầy đủ, tin cậy nhất; làm thế nào để người dân hợp tác và trả lời chính xác câu hỏi của điều tra viên... Nhưng thách thức lớn nhất đó là trong Tổng điều tra năm 2019, Tổng cục Thống kê đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin (bằng phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động - CAPI; phiếu trực tuyến - webform) đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra.

Bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các công đoạn của Tổng điều tra như: Cập nhật, xử lý thông tin nhanh; kiểm soát, giám sát chặt chẽ lộ trình của điều tra viên; phát hiện lỗi lô-gích kịp thời trong quá trình tác nghiệp; rút ngắn thời gian phân tích, xử lý dữ liệu... là những thách thức không nhỏ, như: Hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận trong thời gian ngắn mà lượng truy cập rất lớn, truyền gửi thông tin cùng một lúc, các bài toán công nghệ phức tạp yêu cầu nguồn nhân lực giỏi, tính ổn định của đường truyền, bảo mật thông tin, đầu tư thiết bị... Thực tế đó càng khó khăn hơn khi Tổng điều tra diễn ra trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, dẫn đến việc đáp ứng các nguồn lực để thực hiện Tổng điều tra thật sự là bài toán khó.

Mặc dù vậy, được sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan, sự phối hợp nhịp nhàng của Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực của các cá nhân có liên quan thực hiện Tổng điều tra, ngành Thống kê từng bước tập trung tháo gỡ dần từng trở ngại. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ngày 15-8-2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã ký quyết định ban hành Phương án Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã được thành lập, gồm 15 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ làm Trưởng ban; Ban Chỉ đạo các cấp cũng được nhanh chóng thành lập gồm 63 ban chỉ đạo cấp tỉnh, 712 trên tổng số 713 ban chỉ đạo cấp huyện và 11.165 trên tổng số 11.166 ban chỉ đạo cấp xã.

Có thể nói, triển khai Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra được đặc biệt quan tâm, với việc xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác tuyên truyền và được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo trực tiếp đến các tập đoàn truyền thông có số lượng thuê bao lớn hỗ trợ tin nhắn miễn phí tuyên truyền cho Tổng điều tra, tạo kênh thông tin giúp cộng đồng xã hội biết đến cuộc Tổng điều tra, sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin cho điều tra viên.

Hiện, mọi công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra đã hoàn tất. Các địa phương đã sẵn sàng ra quân tiến hành Tổng điều tra. Theo phương án, thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng 1-4-2019, kết thúc chậm nhất vào ngày 25-4-2019. Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7-2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV-2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II-2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV-2020.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát khâu thu thập thông tin được tăng cường… sẽ giúp việc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thành công tốt đẹp.

TS NGUYỄN BÍCH LÂM

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

(Theo NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn