Việt Nam tiếp tục thăng hạng về minh bạch ngân sách

Cập nhật ngày: 03/07/2024 13:52:26

Ngày 3/7, Bộ Tài chính phát đi thông cáo cho biết, kết quả khảo sát ngân sách mở năm 2023 (OBS 2023) vừa được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, xếp hạng minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, xếp hạng minh bạch ngân sách của Việt Nam được nâng lên ở mức 57/125 quốc gia, tăng 11 bậc so với kỳ đánh giá năm 2021 và tăng 20 bậc so với năm 2019.

Trong đó, các trụ cột đều cao hơn mức trung bình toàn cầu và tăng điểm so với năm 2021: minh bạch ngân sách đạt 51/100 điểm (trung bình toàn cầu là 45/100 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2021); sự tham gia của công chúng đạt 19/100 điểm (trung bình toàn cầu là 15/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021); giám sát ngân sách đạt 82/100 điểm (trung bình toàn cầu là 62/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021).

Đáng chú ý, trong kết quả OBS 2023 của Việt Nam có 3 tài liệu đạt điểm số ở ngưỡng cao, gồm: báo cáo ngân sách dành cho công dân (đạt tối đa 100/100 điểm); dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội quyết định (đạt 83/100 điểm); báo cáo tình hình thực hiện NSNN trong năm (đạt 78/100 điểm).

Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng cũng cho thấy nội dung, hình thức công khai NSNN của Việt Nam được thực hiện đa dạng. Cùng với việc công khai chi tiết biểu mẫu, số liệu NSNN, còn công khai các báo cáo thuyết minh chi tiết, báo cáo ngân sách dành cho công dân được thiết kế dưới dạng biểu đồ, đồ họa, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Cổng Công khai ngân sách, in ấn phẩm, nhằm phổ biến thông tin ngân sách đến nhiều người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt về ngân sách, ngày càng thu hút sự quan tâm và thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách, giám sát ngân sách.

Kết quả xếp hạng OBS 2023 cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách thông qua tính sẵn có của các tài liệu ngân sách và việc công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin trong toàn bộ quy trình ngân sách, từ khâu dự toán trình Quốc hội, dự toán được Quốc hội thông qua, tình hình thực hiện trong năm, quyết toán được Quốc hội phê chuẩn.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổ chức các cuộc khảo sát để đánh giá việc thực hiện công khai ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhu cầu, mong muốn của người dân về thông tin ngân sách để có căn cứ tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai ngân sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng tốt hơn thông lệ quốc tế.

Theo LƯU THỦY (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn