Một số điểm mới của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Cập nhật ngày: 24/07/2013 03:21:52

Ngày 4/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 thay thế Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2007. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ có một số điểm mới.

Trước hết, việc quy định người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước đã rõ ràng hơn, thể hiện gồm 3 người có thể phát ngôn: người đứng đầu cơ quan; người được người đứng đầu cơ quan giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên - gọi tắt là Người phát ngôn; trường hợp cần thiết người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn - gọi tắt là Người được ủy quyền phát ngôn hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Đặc biệt, nếu Người phát ngôn đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Về cung cấp thông tin của cá nhân thuộc cơ quan hành chính nhà nước, Quy chế cũ (Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2007) chỉ quy định các cá nhân cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Việc các cá nhân, kể cả thuộc cơ quan nhà nước đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí. Song qua 5 năm thực hiện Quy chế cũ nhiều người trong cơ quan hành chính lại hiểu sai, cho rằng việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của Người phát ngôn.

Quy chế mới đã quy định rõ hơn về vấn đề này, tại khoản 4 Điều 2: "Các cá nhân của cơ quan hành chính được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh là cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp".

Thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin được rút ngắn, hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang điện tử của cơ quan mình theo quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ. Ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí (Quy chế cũ là 6 tháng 1 lần). Trường hợp xảy ra vụ việc cần có thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (Quy chế cũ quy định là 2 ngày).

Quy chế mới có bổ sung thêm quy định về trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đó là các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp thông tin cho báo chí. Điều đáng chú ý là trong Quy chế mới có một điều quy định về khung trong việc xử lý vi phạm (Quy chế cũ không có) là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin chính thống, công khai, thực hiện minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước; đồng thời công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt việc tuyên truyền, định hướng cũng như nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân.

Hồng Ngự

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn