Bà tôi

Cập nhật ngày: 29/12/2014 07:19:02

Bà là chị ruột của ông ngoại tôi. Chồng mất sớm khi bà mới ngoài hai mươi tuổi. Người con trai duy nhất của bà đi theo cách mạng và hy sinh trong kháng chiến. Bà sống đạm bạc một mình trong căn nhà nhỏ mái lợp lá, nền đất nhưng vô cùng gọn gàng sạch sẽ.

Lúc tôi bắt đầu hiểu biết thì bà đã già, tấm lưng hơi còng, đi đứng phải chống gậy. Thế nhưng bà rất hay làm lụng và hoạt động luôn tay không lúc nào nghỉ. Có lẽ nhờ siêng lao động nên sắc diện bà rất hồng hào, gương mặt phúc hậu và đôi mắt sáng. Tuy bà sống một mình nhưng chưa khi nào tôi thấy bà buồn chán. Ngoài công việc thường nhật là nấu sương sáo bán để mưu sinh, khi rảnh bà thường hay bơi xuồng dọc theo bờ sông để xúc cá bống từ những giề lục bình trôi nổi. Cứ rỗi việc là bà lại chống gậy sang nhà tôi giúp trông bầy trẻ cho ba má tôi đi làm đồng. Chị em tôi cũng thường bồng bế nhau qua nhà bà, có khi ở chơi la cà suốt ngày, được bà chăm sóc, cho ăn uống, dạy dỗ chỉ bảo tận tình. Lũ chúng tôi sáu đứa trẻ lóc nhóc, dựa dẫm hết vào bà những khi ba má vắng nhà cũng y hệt như bà là bà ngoại, bà nội của mình vậy.

Mà thật, bà có khác chi bà ngoại, bà nội khi chăm bẵm chị em tôi hết đứa này tới đứa khác. Mỗi bận má tôi sinh thêm em bé, do ngoại, nội đều ở xa nên việc nhà của tôi đều do một tay bà trong ngoài sắp xếp. Tôi tuy là chị cả nhưng cũng chẳng giỏi giang gì hơn lũ em bởi má tôi sinh nhặt, đứa nọ cách đứa kia chỉ một năm, bận nào thưa lắm cũng chỉ hai năm. Cho nên những lúc má “nằm lửa” thì tôi y như con thoi chạy tới chạy lui làm mọi việc do bà chỉ dẫn, từ việc quét nhà, chặt củi, tắm rửa cho lũ em tới việc nấu cho má nồi cơm, nồi cá kho tiêu thơm lựng. Nhờ bà mà tôi từng bước đóng được vai “chị cả”, biết chăm lo cho lũ em bởi ba má tôi tối ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng. Lũ em tôi cũng rất quý bà, cứ một gọi “bà Hai”, hai gọi “bà Hai”, tụi nó thích được bà nựng nịu và cho quà bánh. Bà sống đơn thân nên bao nhiêu tình cảm thương yêu đều dành hết cho chúng tôi. Có tô chè, rổ khoai, nải chuối, hay món gì ngon bà cũng lụm cụm chống gậy mang qua nhà cho bọn tôi. Ba má tôi cũng rất kính trọng bà, đối với bà lễ phép, ân cần như cha mẹ, do vậy mà chúng tôi lại càng thêm yêu kính bà.

 Năm nước lụt 1978, đứa em gái út của tôi chưa tròn một tuổi đã phải chịu cảnh “ăn độn bo bo” vì nhà không đủ gạo. Ruộng rẫy ngập lụt hết, không còn phương kế sinh nhai, ba má gửi chúng tôi ở nhà cho bà trông để quá giang theo ghe đi mua bán đường mía kiếm lời. Nước lụt ngập tới nửa cây cột nhà, bọn trẻ chúng tôi suốt ngày ngồi thu lu trên chiếc chõng tre, nhất nhất mọi sinh hoạt đều theo “lệnh” của bà. Mỗi bữa cơm, bà và chúng tôi đều ăn độn, trừ đứa em út, vì bà đã dành tiền mua và để riêng phần gạo trắng cho nó, mỗi bữa nấu riêng đúng một nắm gạo vừa đủ một chén cơm, nhờ vậy mà đứa em út của tôi mạnh khỏe, mập tròn trong suốt mấy tháng trời nước lụt. Ba má tôi đi buôn về biết chuyện, cả hai xúc động chỉ biết im lặng cầm tay bà mà rơi nước mắt. Bà cũng rất nghèo, nhưng điều đó không là gì cả khi tình thương dành cho những đứa cháu đủ lớn để bà sẵn sàng hy sinh cho chúng tôi.

Phần tôi khi ấy rất thương bà nhưng lại không mấy thích việc hay bị bà thường xuyên la rầy. Tôi thắc mắc không biết tại sao chỉ mình tôi bị bà rầy rà nhiều, còn lũ em thì không. Bọn em tôi đứa nào làm sai việc gì là y như rằng tôi sẽ được nghe cái điệp khúc “Sao không biết dạy em?”. Có lần ham vui mãi lo chơi nhảy dây với bọn trẻ trong xóm, tôi bỏ mặc cho lũ em tự do bò xuống cây cầu bến ở bờ sông mà tắm, bà phát hiện mắng cho tôi một trận nên thân và còn đét cho tôi mấy roi vào mông! Bữa đó tôi hối lỗi nhưng trong lòng cũng không vui, tôi thầm nghĩ là bà già rồi, khó tính, hay ca cẩm. Tối đó tôi còn bị ba má về “nhồi” thêm một trận roi chí tử nữa vì cái tội giữ em không xong! Tôi giận dỗi không thèm ẵm em qua nhà bà chơi mất cả tuần sau đó!

Thế nhưng bà không để tâm. Sau lần đó bà vẫn ân cần chăm chút bọn tôi, lại thường xuyên nhẹ nhàng nhắc nhở cái tính “đãng trí” của tôi, lúc nào gặp tôi bà cũng căn dặn một câu: “Đi đâu, làm gì cũng phải trông chừng mấy đứa em, nghe con!”. Tôi dạ lấy lệ, trong bụng lại nghĩ: “Có bao nhiêu đó, bà cứ nói hoài!”. Vậy nhưng, nhờ sự “giám sát” của bà mà chị em tôi mọi việc đều ổn, ba má tôi an tâm đi làm đồng từ sáng đến chiều, ngày qua ngày cuộc sống cứ dần trôi êm.

Khi chúng tôi lớn lên, đi học xa nhà thì bà đã già yếu lắm. Một người cháu gái gọi bằng dì đã tự nguyện về ở cùng để chăm sóc cho bà. Những ngày cuối đời của bà trôi đi thanh thản trong sự ấm áp của người thân, dù bà không còn con cái. Sau khi mất, bà được Nhà nước công nhận “Mẹ Việt Nam anh hùng” vì có một người con duy nhất hy sinh cho cách mạng. Hiện giờ, người cháu gái đảm nhận luôn phần hương khói cho bà, lễ giỗ hàng năm đều rất chu tất, họ hàng tề tựu đông đủ để tưởng nhớ đến bà.

Bây giờ, cứ mỗi lần sang nhà nhìn lên tấm di ảnh của bà trên bàn thờ là lòng tôi lại bồi hồi day dứt. Đôi mắt bà vẫn sáng nhìn chúng tôi thật bao dung. Tôi chưa ngày nào phụng dưỡng để đền đáp công ơn của bà. Hồi nhỏ chưa hiểu biết nên đã có lúc tôi còn giận dỗi vì bị bà la rầy. Nay thì bà đâu còn để nghe tôi nói một lời xin lỗi. Và lời cám ơn không bao giờ hết vì tất cả những sự chăm sóc lo lắng bà dành cho chúng tôi những ngày thơ bé, nhờ có bà mà chúng tôi đã vượt qua được những tháng ngày khó khăn vất vả ấy. Trong ký ức của tôi, cuộc sống nghèo khó thuở ấu thơ vẫn còn in đậm những dấu ấn sâu sắc về một người bà - một người phụ nữ mà cuộc đời là cả một sự hy sinh.

Ngọc Điệp

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn