Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường
Công trình và lễ hội của lòng dân
Cập nhật ngày: 21/01/2020 04:26:50
ĐTO - Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường tọa lạc uy nghi tại số 64 đường Lê Lợi, phường 2, TP.Cao Lãnh là di tích có giá trị lớn trong đời sống tâm linh của người dân Cao Lãnh nói riêng và người Đồng Tháp nói chung. Hàng năm, lễ giỗ Ông Bà là lễ hội lớn, người dân trong vùng và từ các nơi nô nức rủ nhau đến dâng cúng lễ vật, tưởng nhớ công đức của Ông Bà và tham dự các hoạt động lễ hội. Tháng 7/2019, di tích Mộ và Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia.
Đền thờ Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh uy nghi trên đường Lê Lợi, phường 2, TP.Cao Lãnh
Đây là di tích lịch sử văn hóa, thể hiện lòng tôn kính của người dân địa phương đối với tiền nhân có công với dân chúng. Tương truyền, ngày xưa Ông Bà lập khu chợ Vườn Quýt cho người dân mua bán, lâu dần chợ phát triển sung túc, người dân gọi là chợ Câu Lãnh (do lấy từ chức Câu Đương và tên tự của Ông là Lãnh mà thành), sau này người dân gọi trại thành chợ Cao Lãnh. Vào năm 1820, nạn dịch tả hoành hành, thương cho dân lành bị chết quá nhiều, Ông Bà lo tìm thầy thuốc cứu chữa cho bá tánh và lập bàn hương án giữa trời khấn nguyện xin thế mạng cho dân làng khỏi nạn. Ngay sau đó, tối mùng 9 tháng 6 âm lịch, Bà thọ bệnh rồi mất, qua khuya mùng 10, Ông cũng thọ bệnh qua đời và nạn dịch tả chấm dứt. Để tỏ lòng tôn kính đức độ thương dân của Ông Bà, nhân dân địa phương lập miễu thờ Ông Bà. Từ đó, trong tâm thức của người Cao Lãnh, Ông Bà Chủ Chợ là vị phúc thần luôn bảo hộ, che chở cho dân lành.
Năm 1936, Vua Bảo Đại ban sắc phong Ông Bà làm Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần. Sắc phong được bảo quản cẩn thận tại đền thờ, hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn sắc vàng tươi thắm. Năm 2001, Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Sau mấy chục năm xây dựng, đền thờ dần xuống cấp và thấp hơn mặt đường, Ban quản lý đền thờ đứng ra vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để trùng tu lại đền thờ.
Vào ngày 5/1/2012, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Ban quản lý đã khởi công trùng tu xây dựng lại Đền thờ Ông Bà. Sau 2 năm xây dựng, ngày 12/1/2014, Đền thờ Ông Bà đã hoàn thành uy nghi như ngày nay với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng từ tiền nhân dân hỷ cúng. Năm 2019, vào dịp lễ giỗ Ông Bà lần thứ 199, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND TP.Cao Lãnh tổ chức long trọng lễ đón Bảng xếp hạng Đền thờ và Mộ ông bà Đỗ Công Tường là Di tích Quốc gia thuộc loại hình Di tích lịch sử.
Nhân dân tạc tượng Ông Bà để phụng thờ
Di tích là tổ hợp kiến trúc gồm: Đền thờ, nhà khách, ngôi mộ của Ông Bà được xây dựng kiên cố, trang trí, chạm trổ nguy nga lộng lẫy, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ. Về mặt kiến trúc thẩm mỹ, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được xây dựng theo kiến trúc dân gian truyền thống mái chồng mái, với nhiều tầng mái lợp ngói thanh lưu ly, bờ nóc đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nhật, góc mái vuốt cong đắp nổi hình tượng hoa lá cách điệu thành rồng. Điện thờ được trang trí lộng lẫy với các bức hoành phi, bao lam được chạm trổ tinh xảo sơn son thếp vàng theo đề tài tứ linh hay tứ quý. Khám thờ Ông Bà Đỗ Công Tường được chạm trổ hình song Long tranh châu và tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng cùng những họa tiết hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các bàn thờ đều được cẩn ốc xà cừ với đề tài hoa lá chim muông, trên các thân cột đều có câu đối bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng.
Hàng năm, Ban quản lý đền thờ và nhân dân trong vùng cùng chính quyền tổ chức lễ giỗ Ông Bà rất trang trọng. Trong những ngày này, nhiều hoạt động lễ hội diễn ra thu hút hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương chiêm bái và tham gia lễ hội. Sắc thần được thỉnh vòng qua các đường phố của TP.Cao Lãnh với kiệu rước, nghi trượng, cờ tiết, tàn lọng trang nghiêm. Ngoài phần nghi thức, nét mới trong lễ giỗ các năm gần đây là mở rộng quy mô về phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân trong suốt 3 ngày lễ hội như: thi làm bánh dân gian, thi đá gà nghệ thuật, đấu cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật tổng hợp hàng đêm.
Đông đảo người dân tham gia các hoạt động tại lễ giỗ Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh
Đặc biệt, những năm gần đây, lễ giỗ Ông Bà thu hút người dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến tham dự ngày càng đông. Quy mô lễ giỗ ngày càng lớn với nhiều hoạt động phong phú như: tái hiện chợ Vườn Quýt Cao Lãnh xưa, trưng bày sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp... Anh Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Ban quản lý Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường cho biết, năm Canh Tý 2020 này là đến lễ giỗ lần thứ 200 của Ông Bà, quy mô lễ hội sẽ được tổ chức lớn hơn những năm trước đây vì Đền thờ được nâng tầm Di tích Quốc gia.
Có thể nói, Đền thờ và lễ giỗ của Ông Bà Đỗ Công Tường là công trình và lễ hội của lòng dân. Đối với nhiều thế hệ người Cao Lãnh, đang ở tại địa phương hay đi làm ăn xa, kể cả đang định cư ở nước ngoài đều lưu giữ những kỷ niệm về những ngày lễ giỗ Ông Bà Chủ Chợ, về quê hương mến yêu với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đúng như nghĩa 2 câu đối trong Đền thờ Ông Bà:
“Miếu cả oai linh truyền mãi cho con cháu,
Mỹ Trà, Câu Lãnh hương khói suốt ngàn năm”.
Thanh Trúc