Khởi sắc các hoạt động nghiên cứu lịch sử địa phương

Cập nhật ngày: 01/04/2015 11:58:21

Những chuyến điền dã đến các miền quê để tìm hiểu địa danh, những lần tìm đến các nhân vật, sự kiện lịch sử là hoạt động thường xuyên được hội viên (HV) đang sinh hoạt tại Hội Khoa học lịch sử (KHLS) cấp huyện chú trọng. Nhờ đó mà phong trào nghiên cứu KHLS được lan tỏa rộng khắp trong tỉnh.


Quyển “Địa danh lịch sử văn hóa Thanh Bình”

Đến nay, toàn tỉnh có 11 Hội KHLS cấp huyện, mỗi Hội có từ 50 - 120 HV. Dù khoản thu nhập dành cho những người trực tiếp tham gia công tác hội, nghiên cứu lịch sử không đáng kể nhưng vì yêu thích lịch sử, văn hóa địa phương, nhiều Hội KHLS đã tích cực hoạt động, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị. Nhận định về hoạt động tại các Hội KHLS cấp huyện, ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp cho biết, dù còn không ít Hội gặp khó khăn về kinh phí nhưng các Hội đã vận động tốt đội ngũ HV (phần nhiều là cán bộ, giáo viên) tích cực nghiên cứu lịch sử. Bên cạnh đó, nhiều Hội KHLS như huyện Thanh Bình, TX.Hồng Ngự, TP.Sa Đéc,... còn tổ chức mời các nhân vật lịch sử, truyền thống cách mạng đến các xã nói chuyện về lịch sử cho cán bộ xã, phường nghe. Từ đó, lãnh đạo các xã, phường cũng như HV có ý thức hơn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa đình, chùa, miếu ở địa phương mình.

Dù mới thành lập sau này nhưng Hội KHLS huyện Thanh Bình được Hội KHLS Đồng Tháp đánh giá là Hội hoạt động hiệu quả, không ngừng lớn mạnh. Hiện toàn huyện Thanh Bình có 9/13 Hội KHLS xã; 5 Hội KHLS ngành, tổng số HV toàn huyện là 150 người. Các cấp hội KHLS trong huyện từng bước đi vào nề nếp theo quy chế hoạt động được ban hành, nhiều hội cơ sở đã tích cực chủ động tham mưu đề xuất công việc với lãnh đạo cùng cấp đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng trong năm 2014, Hội KHLS huyện cùng các Hội KHLS xã, thị trấn hoàn thành việc biên soạn Kỷ yếu các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện và các xã, thị trấn từ năm 1930 đến nay, đồng thời phối hợp các ngành liên quan tổ chức nhiều buổi hội thảo nghiệm thu các biên niên sử, chương trình lịch sử truyền thống,... do Hội KHLS huyện thực hiện. Mới đây, Hội KHLS huyện Thanh Bình đã cho ra mắt bạn đọc quyển “Địa danh lịch sử  văn hóa Thanh Bình” với trên 100 tác giả là HV đang sinh hoạt tại Hội KHLS cấp xã và huyện Thanh Bình tham gia.

Nói về công tác nghiên cứu KHLS địa phương mình, ông Nguyễn Văn Bua - Chủ tịch Hội KHLS huyện Thanh Bình cho rằng, hoạt động của Hội và các hội cơ sở được nhiều thuận lợi là nhờ sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Huyện ủy và UBND huyện Thanh Bình. Điều quan trọng không kém đó là sự năng nổ, nhiệt tình, có tâm huyết, miệt mài của cán bộ, HV trong sưu tầm dữ liệu để viết, và cả sự đồng thuận của bà con nhân dân trong việc cung cấp những tư liệu, thông tin quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu KHLS, nghiên cứu văn hóa.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn