Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm

Cập nhật ngày: 20/03/2019 16:42:52

ĐTO - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh, thời gian qua, việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp.

Lễ hội đã phát huy cao giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, các nguồn thu công đức và xã hội hóa của các mạnh thường quân đóng góp cũng phần nào góp phần vào công tác trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử của tỉnh nhà. Công tác tuyên truyền về giá trị của di tích, ý nghĩa của lễ hội, cuộc đời và thân thế của các anh hùng dân tộc cũng được quan tâm thực hiện xuyên suốt trước, trong lễ hội.


Đông đảo người dân đến xem lễ thỉnh sắc thần tại lễ giỗ lần thứ 183 của Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, tôn vinh những vị anh hùng dân tộc có công với nước, với dân; lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống của địa phương phù hợp với thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, Sở VH,TT&DL đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các ngành chức năng cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 1556/QĐ-UBND-HC ngày 19/12/2018 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực VH,TT&DL; kế hoạch số 11/KH-SVHTTDL ngày 18/1/2019 của Sở VH,TT&DL về việc kiểm tra, giám sát lễ hội truyền thống năm 2019.

Các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt động lễ hội, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội trên địa bàn; bố trí khu vực kinh doanh dịch vụ hàng hóa không làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích.

Đồng thời không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; không tổ chức xin xăm, đốt vàng mã, bói toán và các hành vi mê tín dị đoan khác.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; vận động, tuyên truyền người dân khi tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa, trang phục lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề, say rượu gây ảnh hưởng xấu đến sự trang nghiêm của di tích và lễ hội.

T.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn