Lễ giỗ lần thứ 200 ông bà Đỗ Công Tường

Cập nhật ngày: 29/07/2020 05:29:13

ĐTO - Sáng ngày 28/7, tại Khu Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (đường Lê Lợi, Phường 2, TP.Cao Lãnh), UBND TP.Cao Lãnh long trọng tổ chức Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường lần thứ 200.


Nghi thức lễ nghinh sắc trong lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường. 
Ảnh: M.XUYÊN

Tham dự có đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Cao Lãnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, TP.Cao Lãnh; đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) và đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi lễ, các đại biểu được nghe lại tiểu sử, công lao của ông bà Đỗ Công Tường đối với người dân Cao Lãnh; xem biểu diễn nghệ thuật với các ca khúc, ca cảnh, trích đoạn cải lương tái hiện cuộc đời của ông bà Đỗ Công Tường. Các đại biểu đến dâng hương tưởng niệm ông bà Đỗ Công Tường tại đền thờ. Dịp này, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tặng Ban Quản lí Khu Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường bức Phiên bản Châu Bản Triều Bảo Đại (đây là tờ tâu của ngự tiền văn phòng tâu lên vua xin phong thần cho ông bà Đỗ Công Tường vào năm 1935).


Các đại biểu đến dâng hương tưởng niệm ông bà Đỗ Công Tường tại đền thờ

Ngoài phần lễ, trong chương trình lễ giỗ diễn ra từ ngày 27/7 đến hết ngày 30/7/2020 (nhằm ngày mùng 7 - 10 tháng 6 năm Canh Tý), UBND TP. Cao Lãnh tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ Nhân dân như: tái hiện tiểu cảnh không gian văn hóa góc quê; trưng bày công cụ nông nghiệp xưa; hội thi làm các món ngon từ xoài, thi đấu cờ tướng, cờ thế, múa lân sư rồng, biểu diễn nghệ thuật hát tuồng cổ, cải lương,... Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường là hoạt động văn hóa được UBND TP.Cao Lãnh tổ chức hàng năm nhằm ghi nhớ công lao của ông bà, đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với quảng bá hình ảnh của địa phương.

Theo tài liệu ghi chép, dưới triều vua Gia Long, năm Đinh Sửu (1817), ông bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường; gia tư khá, tánh tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng.

Đất hoang khẩn được ông bà tạo lập một vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên dân trong làng tập trung để mua bán và ông bà cho dựng chòi bằng tre lá thành cái chợ. Qua vài năm, chợ trở nên thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, có người gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh,... thu hút người buôn bán gần xa.

Năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt.

Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 - 9/6 (âm lịch) thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng từ từ lui. Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ, lấy ngày mùng 9 -10/6 làm ngày giỗ của ông, bà; Triều đình Huế sắc phong ông là thần. Tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

M.X

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn