Viết ngắn

Ngày Xuân tản mạn về sắc tím... lục bình

Cập nhật ngày: 26/01/2015 13:23:47

Có một loài hoa mang mang sắc tím.

Thân bềnh bồng theo con nước đầy vơi.

Không chân đứng trên quê hương trôi nổi.

Nở ngút cho đời những nụ triều khơi.

(Vũ Quyên)

Nhìn sông Tiền thấy dòng nước đỏ ngầu dâng tràn cuồn cuộn, từng dề lục bình xuôi về, bổng chợt ai đó thốt lên “nước quay rồi”! Nước “quay” báo hiệu một mùa nước nổi lại về, là lục bình dần đầy kín cả quãng sông mang sắc tím âm thầm, lặng lẽ nổi trôi, dung dị nhưng mang đến cuộc đời nhiều hữu ích.

Làng quê Đồng Tháp gắn với những dòng sông, kênh rạch, những bàu xẻo, bưng trấp. Hoa lục bình loang tím, bồng bềnh trên mặt nước, trên những dòng sông. Khi đơn lẻ, khi thành đám, thành dề, thanh thản, tự do, đầy sức chịu đựng và sản sinh mạnh mẽ vô tận. Cũng như những người con của miền sông nước, lục bình tĩnh lặng trước cuộc sống ồn ào, chen đua hối hả nơi thị thành, mặc gió giông mưa nắng, mặc vất vả lo toan, vẫn thủy chung đầy sức sống vươn lên cùng dòng nước. Hồi trong kháng chiến, khu căn cứ cách mạng Tràm Dơi - nơi chở che, đùm bọc bao người con Cao Lãnh sống, chiến đấu anh dũng, từng đám lục bình cũng góp vào làm lá ngụy trang chở che bao chiến sĩ qua sông làm nên chiến thắng... để từng chiều có những người con gái hậu phương quê tôi ngóng xa xăm theo từng đợt lục bình trôi, nhớ về người thân nơi xa lắm.

Người sông nước nhìn đâu cũng thấy thức ăn, từ bờ kênh phía trước, dòng sông quanh nhà. Và, lục bình vốn gần gũi lại trở thành những món đậm chất dân dã, đồng nội. Cọng non lục bình chấm nước mắm kho, cá kho. Bông lục bình nhúng lẩu mắm, lẩu chua hay xào thịt bò. Ngó lục bình có thể làm dưa chua, làm gỏi, xào thịt hoặc tép, gỏi ngó lục bình trộn ốc gạo... nhớ cả món bánh bột gạo nặn trên lá lục bình hấp ngày xưa bà ngoại thường làm đãi cháu. Vừa nhấm nháp vừa thầm nghĩ, sao không có dưa lục bình như dưa môn, dưa bồn bồn xứ người? Sao những món ngon như thế chỉ để hoài niệm mà không chăm chút hơn thành những món có thể đưa vào nhà hàng, khu du lịch để tự hào với khách phương xa? Và, lại chợt nghĩ, những cô dì, những chị em khéo tay ở Mỹ Xương sao không chế biến từ trái xoài thân quen thành dưa, thành kẹo mứt, kem sữa... Rồi các nhà khoa học nghiên cứu phân hữu cơ giúp nông dân chăm bón cho vườn cây ăn trái xanh tốt từ thân, rễ lục bình... Tái cơ cấu nông nghiệp đâu xa, xây dựng nông thôn mới đâu xa, mà ngay trong từng nhà, từng xóm làng, trong từng những tổ hội nông dân, phụ nữ, thanh niên... Ngày mới trên quê hương Bình Thạnh rực rỡ sắc màu với diện mạo nông thôn mới, làng bè đang vươn mình đón xuân trên bình minh sông Tiền, thoáng xa xuyên qua tia nắng sớm, vài đám lục bình đang trôi lơ lững... sẽ là những khoảnh khắc níu chân du khách đến với trải nghiệm du lịch sinh thái làng bè Bình Thạnh.

Không chỉ là những món ăn, người sông nước còn tìm thấy trong lục bình những vị thuốc dân dã nhờ vị nhạt, tính mát, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, có thể dùng chữa sưng tấy, viêm đau. Nghe nói ở Ấn Độ còn dùng hoa làm thuốc chữa bệnh về đường hô hấp, ở Trung Quốc dùng toàn cây làm thuốc trị cảm mạo phát nhiệt, tiểu tiện đỏ đau, mụn nhọt. Lại chợt nghĩ, có hậu duệ nào đó của Tuệ Tĩnh tìm cách biến lục bình trở thành thảo dược hay thực phẩm chức năng không?

Lục bình qua bàn tay khéo léo của con người đã biến thành những sản phẩm thủ công nghiệp mỹ nghệ có giá trị cao, không chỉ tiêu thụ nội địa mà đã vươn xa bốn phương trời. Xơ lục bình phơi khô có thể bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành hàng thủ công không thua kém bất cứ nguyên liệu nào. Ai đó nói rằng, Cao Lãnh là “vương quốc” của lục bình, vì lục bình có mặt khắp nơi: Bình Thạnh, Gáo Giồng, Mỹ Thọ, Xẻo Quýt... Người Cao Lãnh đã làm ra từ lục bình những giỏ, sọt, bàn ghế, thảm chiếu, giường tủ, tuy nhiên tất cả chỉ mới dừng lại ở sản phẩm giản đơn, giá trị gia tăng không cao. Mai này, vùng đất Mỹ Hiệp, Cao Lãnh sẽ có hẳn nhà máy thủ công mỹ nghệ từ lục bình và không chỉ từ lục bình mà còn từ tre, trúc, gáo, tràm, sen, súng...

Nhưng đừng làm như lục bình trôi. Ai đó đã nói rằng “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Không ít người nghèo không cam phận, cần lao, chắt chiu; nhiều tấm gương vượt lên mặc cảm sang hèn. Song, khuất đâu đó trong làng quê, ngỏ xóm vẫn còn nhiều người an phận, tự bằng lòng với nghịch cảnh, để rồi chấp nhận “số kiếp tui nó vậy”. Có người trong chúng ta thầm trách họ không có ý chí, không giàu nghị lực. Nhưng hãy nhìn họ một cách nhân văn hơn. Đừng sa vào tranh luận “con cá” hay “cần câu” nữa, mà hãy trải lòng đến với bà con mình bằng tấm lòng thiện nguyện, bằng tâm thức của người với người. Hãy giúp nhau “mần ăn”, hãy cùng nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Cuộc đời không tước của ai tất cả. Hãy đi lên từ giàn bầu, giàn mướp bờ mương, từ dây khoai, dây bí quanh nhà, rồi bờ hoa ruộng lúa, rồi đan, rồi dệt... Đâu có nghề nào là sang, là hèn. Muốn dời một ngọn núi lớn hãy bắt đầu lăn đi từng hòn đá nhỏ!

Hãy làm cho cánh hoa đồng nội, điền dã tiếp tục cuộc hành trình trên những dòng sông, mặt nước như những con người luôn có ý chí vươn xa. Đừng để nhắc người nghèo với nỗi ngậm ngùi “thương những đời như lục bình trôi”. Với quyết tâm của khối óc và con tim, những con người vùng quê Cao Lãnh mang truyền thống hào hùng, cái nôi cách mạng, bằng bàn tay tài hoa khéo léo, người Cao Lãnh sẽ biến nhiều loài hoa đồng cỏ nội kết tinh thành giá trị, làm giàu cho mình, làm đẹp cho đời, để cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa!

Trên quê hương Cao Lãnh buổi sớm mai, lãng đãng trôi theo cảm xúc từ sắc tím lục bình, chợt thấy ngày Xuân đến rồi. Ngày Xuân thì phải nghĩ đến sắc vàng rực rỡ, của niềm vui, niềm lạc quan, tin tưởng.

Huỳnh Thị Hoài Thu

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn