Hồi ký
Những kỷ niệm về Bác
Cập nhật ngày: 19/05/2020 14:01:26
Năm 1948 tôi được mười tuổi. Có năng khiếu vẽ từ sớm, nên năm nầy tôi đã gạch ca-rô chép ảnh cụ Hồ qua giấy khổ lớn hơn. Bằng cách in bột, tôi dùng mực tím thắng cho kẹo lại, vẽ ảnh Cụ rồi dán lên mặt bột và in qua tờ giấy khác. Tôi đã sao qua gần mười tờ thì mực bị mờ, không in được nữa. Tôi nhớ đám cưới anh Năm Sắc và chị Chiêu làm ban đêm theo đời sống mới, anh Ba tôi đã lấy một tấm ảnh Cụ Hồ của tôi in bột dán lên bàn thờ Tổ quốc nơi cử hành lễ. Lại dịp khác, ông Hai Phó Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh xã lấy một tấm ảnh Cụ Hồ do tôi vẽ, dán lên tấm băng treo ngang đường. Ông cười xoa đầu tôi, khen và thưởng tôi một đồng bạc. Tôi mừng húm cầm đồng bạc chạy về.
Các cuộc lễ phần nghi thức có chào cờ, hát quốc ca, lễ mặc niệm tử sĩ, mọi người đứng cúi đầu nghe hát bài Hồn tử sĩ, rồi đến chào ảnh Bác Hồ. Tất cả người dự đều hướng về ảnh Cụ, nghe hát. Kết thúc bài hát là điệp khúc: “Hồ Chí Minh muôn năm! Người soi đuốc sáng khắc nước Nam. Hồ Chí Minh muôn năm! Làm cho nước Việt Nam quang vinh”. Xong mới tới đọc diễn văn.
Đình chiến 1954, chợ Cũ xã Tân Thuận Tây của tôi được lập lại. Tôi xuống Cao Lãnh xin được một tấm ảnh Bác Hồ lớn cỡ đầu ngón tay cái, là huy hiệu đeo trên ngực. Để phóng lớn ảnh Bác lên tấm bảng bằng gỗ có kích thước 6x9 tấc treo lên đầu nhà lồng chợ. Ảnh nhỏ quá không thể gạch ca-rô được, tôi xin được một bóng đèn tròn hư, rửa sạch, đổ nước trong vô, thay cho tấm kính lúp tôi đưa lên mắt, qua bóng đèn chứa nước nhìn kỹ từng chi tiết mắt, mũi, miệng... Bác mà vẽ theo. Cứ ăn cơm sáng xong, tôi lại chùa Ông Quan đế ngồi vẽ bằng sơn tây. Vẽ xong, ai xem cũng khen giống Bác và tấm tranh được treo lên đầu nhà lồng chợ, dưới lá cờ đỏ sao vàng.
Năm 1959, tôi đang ở tù, bọn Ty Công an Kiến Phong có bắt một người ở hàng me đem nhốt vô khám, vì ông nầy khùng mà cứ hô khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm! Trong khám, ông vẫn hô lớn Hồ Chí Minh muôn năm! Bọn địch tức tối không làm gì được đành phải thả ông ra vì nhốt ông trong khám thêm bất lợi.
Những năm nầy, địch thường bắt dân họp nghe chúng tuyên truyền về “chí sĩ Ngô Đình Diệm”. Để mọi người dễ nhớ, chúng tôi: “Theo Cụ Ngô vàng đeo có khúc”. Bà con ta nhanh nhạy nháy lại: “Theo cụ Ngô vàng đeo có lúc. Theo Cụ Hồ hạnh phúc muôn năm”. Bọn tâm lý chiến đỡ không nổi cú phản đòn hiểm hóc nầy.
Năm 1962, mùa nước ngập linh binh. Mỹ ngụy dùng xuồng càn quét vô đồng. Chúng bắt được một anh nông dân đi giăng lưới ở Mỹ Quí, trước đánh đập tàn nhẫn của địch, anh nói lớn: “Dân vùng giải phóng không biết đầu hàng!” Và hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!” trước lúc bọn địch bắn anh. Câu khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!” thành câu nằm lòng của cán bộ, chiến sĩ và người dân chuẩn bị sẵn sàng hô to trước lúc hy sinh.
Năm 1969, Bác Hồ qua đời, suốt các ngày từ 4/9 trở đi, Mỹ ngụy hí hửng cho chiếc máy bay L.19 bay vòng vòng vùng giải phóng phát đi phát lại tin Bác Hồ mất. Với giọng côn đồ, chúng hô lớn “Hoặc chiêu hồi, hoặc tử thần” và rải trắng xóa “giấy thông hành”, rằng ai lượm được cầm tờ giấy nầy ra chiêu hồi sẽ được chúng đón nhận. Chúng những tưởng Bác mất, cách mạng thiếu người cầm lái, dân ta mất chỗ dựa niềm tin, là dịp chúng đẩy liên tiếp các đòn chiến tranh tâm lý. Nhưng chúng đâu hiểu được sự kiện Bác mất, Đảng quân dân ta đau đớn lắm, song không mất lòng tin khi nghe lời Di chúc của Bác. Biến đau thương thành sức mạnh, toàn Đảng quân dân ta vững vàng tinh thần, tấn công quyết liệt hơn theo mệnh lệnh của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Rải hằng vạn “tờ thông hành” chỉ làm dơ đất, có ai cầm nó đi chiêu hồi như chúng mong tưởng.
Sau ngày giải phóng, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác, đi sưu tầm để phát hành quyển “Lòng dân Đồng Tháp đối với Bác Hồ”, chúng tôi càng rõ ra biết bao chuyện người thật, việc thật về lòng kính yêu của dân ta với Bác. Người giữ gìn tờ giấy bạc Cụ Hồ như báu vật. Người giả cúng đất trời để che mắt địch, làm lễ tưởng niệm Bác Hồ. Có chùa bày dĩa trái cây chỉ có hai màu đỏ và vàng, dộng chuông cầu siêu cho Bác. Người có đạo Cao Đài, Công giáo, người là sĩ quan, trong hàng ngũ địch... đều có những cách thể hiện tấm lòng thành kính của mình với Bác.
Đảng bộ quân và dân Đồng Tháp có thiệt thòi lớn là Bác mất đi cuộc chiến còn đang ác liệt, ngày giải phóng không được đón Bác vào thăm. Nên ngày 19/5/1975, tỉnh nhà đã long trọng làm lễ rước ảnh Bác về viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, như Bác còn sống về viếng mộ cha. Kính yêu Bác, chỉ mấy ngày sau giải phóng, các họa sĩ ở thị xã Cao Lãnh đã tự nguyện vẽ 3 tấm chân dung Bác khổ lớn, kịp lễ mừng Đại thắng 15/5 và sinh nhựt Bác 19/5. Ban Tuyên huấn tỉnh phải tổ chức in hằng chục ngàn ảnh Bác vẫn không đủ cho người dân hằng ngày tới “thỉnh” ảnh Bác về treo trong nhà. Nhiều năm qua, nhiều nơi cơ quan, đình chùa, nhà dân làm lễ giỗ dịp kỷ niệm ngày Bác qua đời. Với lòng kính yêu Bác, nhiều nơi thờ tự đã tự động lập bàn thờ thờ Bác, nhiều nhà dân treo ảnh Bác chỗ trang trọng nhứt trong nhà.
Học tập và làm theo gương Bác đã thành việc làm thường xuyên hàng ngày của cả cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, học sinh, cựu chiến binh, hội viên các đoàn thể và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Ở tỉnh ta, hằng vạn tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thành người tốt việc tốt mỗi ngày, rộ nở như những cánh đồng sen rực rỡ Tháp Mười.
NGUYỄN VĂN LONG