Sức sống phong trào văn nghệ

Cập nhật ngày: 27/04/2015 14:00:05

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, phong trào văn nghệ vẫn diễn ra khắp nơi. Các ca sĩ, diễn viên không ngại gian nan, hi sinh mang tiếng hát lời ca góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, văn nghệ vẫn được xem là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống bà con nhân dân.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ hải quân

Trên 50 năm gắn bó với hoạt động văn nghệ, cũng là ngần ấy thời gian nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng (mọi người thường gọi là chú Ba Tùng) cùng bạn bè, đồng nghiệp trải qua biết bao kỷ niệm trong các phong trào văn nghệ. Ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc, ký ức một thời văn nghệ phục vụ kháng chiến, với chú Ba Tùng không thể nào quên. Sau phong trào Đồng Khởi, địch ở thế thua, ta tập hợp được đông đảo quần chúng nên tổ chức phục vụ văn nghệ gặp rất nhiều thuận lợi, có đêm diễn, Đoàn Văn công Kiến Phong khi ấy một đêm diễn có 5 ngàn người xem là chuyện thường. Cuối năm 1965, tình hình cục diện chiến tranh thay đổi, Mỹ tấn công vào vùng giải phóng, hoạt động văn nghệ biểu diễn phục vụ bà con gặp muôn vàn khó khăn. Quá trình đi biểu diễn, địch thường xuyên càn quét, bắn phá, tại các vùng nông thôn, người dân phải chạy tản cư ra ấp chiến lược hoặc chạy ra ngoài đồng trống ở. Lúc này, đoàn văn công chia ra 2 lực lượng gồm diễn tập trung những chương trình lớn phục vụ Tết tại khắp nơi trong tỉnh và lực lượng đi tuyên truyền văn nghệ xung kích, biểu diễn vào những ngày thường, đột nhập vô ấp chiến lược biểu diễn trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Có nhiều lần chuẩn bị lên biểu diễn thì bị giặc phục kích, khiến anh em du kích bảo vệ lực lượng đoàn biểu diễn văn nghệ phải hi sinh. Các tiết mục phục vụ văn nghệ khi ấy tập trung đề cập đến chức năng giáo dục, đó là giáo dục lòng yêu nước, sống có đạo đức, có lý tưởng.

Cuộc chiến dần đi đến hồi kết thì phong trào phục vụ văn nghệ cho bà con nhân dân càng trở nên sôi nổi. Lực lượng hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp ngoài biểu diễn phục vụ còn giúp các xã xây dựng phong trào văn nghệ. Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các chương trình biểu diễn văn nghệ diễn ra khắp nơi trong tỉnh, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cất vang những bài ca mừng ngày độc lập. Nhận định về chiến thắng giặc Mỹ, Ngụy, chú Ba Tùng cho rằng, hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ đã đóng góp một phần trong chiến thắng ấy. Sau năm 1975, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng phong trào văn nghệ vẫn diễn ra sôi nổi khắp nơi.

Những năm gần đây, phong trào văn nghệ tiếp tục được phát huy. Những đơn vị hoạt động văn nghệ chân chính luôn chú trọng, đề cao tính chiến đấu, giáo dục và tính thẩm mỹ trong từng chương trình phục vụ. Theo nghệ sĩ ưu tú Đinh Minh Mẫn - Trưởng Đoàn văn công Đồng Tháp, hiện nay dù phương tiện nghe nhìn phát nhiều chương trình giải trí nhưng phong trào văn nghệ tại nhiều nơi trong tỉnh vẫn được lãnh đạo ngành, địa phương quan tâm. Riêng các đơn vị tổ chức chương trình văn nghệ cũng đề cao nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ chính trị, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Chẳng hạn như thời gian qua, Đoàn văn công Đồng Tháp ngoài việc tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị phục vụ khán giả còn chú trọng tuyên truyền về biển, đảo, giáo dục lòng yêu nước, tuyên truyền an toàn giao thông,... phục vụ kịp thời nhu cầu giải trí của nhân dân. Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, những năm 1980, phong trào văn nghệ có sự lắng xuống. Tuy nhiên, sau thập niên 90, phong trào văn nghệ phát triển mạnh trở lại nhờ phong trào đờn ca tài tử phát triển, tập hợp được đông đảo nghệ nhân tham gia. Từ năm 2000 đến nay, phong trào văn nghệ có sự chuyển biến rõ. Lực lượng văn nghệ quần chúng được củng cố mạnh, đến nay tỉnh có 195 câu lạc bộ đờn ca tài tử, trên 2 ngàn nghệ nhân thường xuyên tham gia đờn ca;… Lực lượng trẻ sau này cũng hát tốt và là nòng cốt của phong trào văn nghệ tại các địa phương. Thế mạnh ở phong trào văn nghệ hiện nay là từ cấp tỉnh đến các xã, mỗi khi có tổ chức các sự kiện quan trọng đều có lực lượng văn nghệ tham gia phục vụ. Nhìn chung phong trào văn nghệ tỉnh đang ở thế vững chắc.

40 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Tháp đang ngày một thay da đổi thịt, phong trào văn nghệ tỉnh nhà cũng có nhiều nét mới, mang đến cho quần chúng nhân dân những “món ăn” tinh thần vừa chắt lọc, vừa giàu giá trị nghệ thuật.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn