Văn chương Đồng Tháp - từ cái đã có đến cái cần phải đạt

Cập nhật ngày: 30/05/2024 05:34:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240530053504dt3-1.mp3

 

ĐTO - “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. Nhà văn Nguyễn Khải đã có lần phát biểu như vậy khi nói về nghề văn của mình. Chúng tôi một lần nữa dẫn lại câu nói này để khẳng định một điều rằng: Giá trị tư tưởng luôn là cái hồn, cái vía, cái cốt lõi của một tác phẩm. Còn mọi phương thức diễn đạt bằng ngôn ngữ dù đơn giản hay phức tạp, bình dị hay cầu kỳ, thông thường hay hoa mỹ... đều phải đề xuất được một tư tưởng mới mẻ nhằm hướng đến một thiên chức cao cả của văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung là phản ánh con người và hướng tới phục vụ đời sống con người. Đời sống con người mà văn chương hướng tới chính là đời sống chính trị - xã hội luôn thay đổi, luôn biến động. Nói vậy, không phải đời sống con người trong văn chương chỉ là đời sống hiện tại mà nó là sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Hay cách khác, trong văn chương ngoài chiều kích thời gian còn có chiều kích về xã hội, chiều kích văn hóa và nhiều mối quan hệ khác của tác giả với đời sống chính trị - xã hội.

Xét trên bình diện nói trên, văn chương Đồng Tháp hiện nay đang có gì, được gì và thiếu gì? Trước tiên, xin bàn về cái có của văn chương Đồng Tháp. Chúng ta đang có một đội ngũ viết văn với sự kế thừa và phát triển với nhiều thế hệ khác nhau đan xen trên một bình diện rộng. Nhiều cây bút đã khẳng định mình trên văn đàn Đồng Tháp qua tác phẩm và qua thời gian. Chẳng cần phải minh chứng đâu xa. Chỉ cần nhìn vào số lượng tác phẩm và tác giả đạt giải Nguyễn Quang Diêu qua bốn kỳ trao thưởng là đủ thấy điều này. Đó là chưa kể các tác phẩm đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc. Xin phép không liệt kê ra đây.

Văn chương Đồng Tháp được gì. Trước tiên phải khẳng định một điều là dù có khi trầm có lúc lắng nhưng chúng ta có được một không khí sáng tác chân tình và cởi mở từ nhiều phía. Nói cách khác như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì: “Đặt lòng tin của Đảng và Nhà nước vào các nhà văn là đầu tư lớn nhất, quan trọng nhất. Đầu tư đó sẽ tạo ra cảm hứng lớn nhất và sự thấu hiểu lớn nhất về các nhà văn. Đầu tư thứ hai là không gian sáng tạo - không gian tự do sáng tạo có tính dân chủ bởi chưa bao giờ các nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ”. Đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Tháp đang nhận được ở lãnh đạo tỉnh điều này. Đó chính là cái được lớn nhất và quan trọng nhất, góp phần tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo không chỉ cho người làm văn chương mà còn cho tất cả đội ngũ văn nghệ sĩ.

Thứ hai, là văn chương Đồng Tháp được là sự hiền lành và trong trẻo. Văn xuôi Đồng Tháp không có cách nói lên gân, không có những câu, những đoạn hằn học, rủa sả, mắng nhiếc cuộc đời mà tất cả đều viết ra một thái độ nghiêm túc và trách nhiệm hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Ngôn ngữ trong văn chương Đồng Tháp cũng vậy. Không ồn ào, không dung tục, không cầu kỳ, bí hiểm, tắc tị. Dẫu cách thể hiện và nghệ thuật biểu cảm khác nhau nhưng tất cả đều nằm chung trong một dòng chảy chung: Văn chương Đồng Tháp đang muốn đem Đồng Tháp “thuần khiết như hồn sen” đến với mọi người.

Thứ ba là sự đoàn kết, gắn bó và chân tình với nhau của đội ngũ những người làm văn chương của Đồng Tháp. Tất cả đều tôn trọng nhau không chỉ trong cuộc sống mà trong từng tác phẩm. Mọi phê bình, đóng góp dù thẳng thắn tới đâu cũng nhằm mục đích xây dựng chớ không hề chỉ trích, bài xích một cá nhân nào.

Nhưng tất cả những cái có và được nói trên chưa bù những cái thiếu của văn chương Đồng Tháp kéo dài nhiều năm liền. Một cái thiếu trầm kha mà chưa có cách khắc chế là văn chương Đồng Tháp thiếu những tác phẩm dài hơi. Thơ thì không có trường ca. Văn xuôi thì chỉ có vài ba tác giả tiểu thuyết. Thiếu hai mảng này thì không thể nói là có một nền văn học tròn đầy dù chúng ta có hàng chục, hàng trăm tập thơ và truyện ngắn. Một cái thiếu thứ hai là các tác phẩm thiếu sự khai phóng về nghệ thuật. Đề tài trong các tác phẩm văn chương Đồng Tháp rất đa dạng và phong phú. Nhưng khi đem ra đọ với khu vực và cả nước thì chúng ta “hiền” quá, “dễ dãi” với mình quá vì mình đang bằng lòng với chính mình. Đây cũng chính là hệ quả của một nguyên nhân là văn chương Đồng Tháp lâu nay đang thiếu một đội ngũ phê bình chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, chúng ta lâu nay cứ ngỡ mình đang “chuyên nghiệp” nhưng thật ra vẫn còn nhiều chuyện “nghiệp dư” lắm.

Vậy văn chương Đồng Tháp hôm nay muốn thật sự cất cánh thì có lẽ những người viết văn, làm thơ không chỉ thay đổi cách viết, cách nhìn mà còn khai phá những vùng đề tài chúng ta chưa tiếp cận. Ba mươi năm chiến tranh đi qua trên mảnh đất này với bao Mẹ Việt Nam anh hùng; bao người đã hy sinh cho độc lập, tự do; bao vùng đất, bao chiến tích, chiến công đã làm nên huyền thoại. Đây là một miền đề tài bao la cho các nhà văn, nhà thơ khám phá. Văn chương Đồng Tháp cần phải đào sâu, cày xới trên vùng đề tài như một sự tri ân về những điều vĩ đại nhất. Đó chính là nghĩa tình.

Chúng ta có ba mươi năm vừa bảo vệ biên giới Tây Nam, vừa khai phá và chinh phục Đồng Tháp Mười hoang hóa thành một vùng đất nước bạc, lúa vàng như hôm nay đâu phải là chuyện giản đơn. Mà đó là một kỳ tích. Cuộc đấu tranh chống đói nghèo, lạc hậu, sự đối kháng quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, sự đối đầu dai dẳng giữa cái chung và cái riêng với những con người dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung mà sẵn sàng hy sinh những riêng tư của mình cũng là một miền đề tài cần được tái hiện như một sự trả ơn sòng phẳng với thế hệ cha ông chúng ta hôm nay. Đó chính là năng động.

Quá khứ còn ngổn ngang những miền đề tài mà văn chương Đồng Tháp chưa khám phá, chưa chuyển tải hết. Hiện tại còn đầy ắp những câu chuyện đang đợi chờ những nhà văn, nhà thơ tìm đến. Để tạo dựng hình ảnh một con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo trong văn chương, đòi hỏi các nhà văn, nhà thơ không phải chỉ dấn thân mà còn nhập tâm vào từng nhân vật, từng phận đời, phận người đang sống hết mình vì mảnh Đất Sen hồng. Một nền du lịch xanh, một nền kinh tế xanh, một chương trình chuyển đổi số với những suy nghĩ tính toán bằng tư duy mới, cũ dựa trên lợi ích cá nhân và tập thể tương quan trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng chính là cuộc đấu tranh giữa thiện ác, đúng sai, tầm thường và cao cả mà văn chương Đồng Tháp đang cần hướng tới. Có một nhà triết học đã nói: Lịch sử nhân loại là quá trình hạn chế, khắc phục, chống lại cái bản năng bầy đàn, cái xấu, cái ác... giữ cái bình thường theo lẽ chính thường của tự nhiên và xã hội, vươn lên cái tốt đẹp, cái thiện lương cao thượng. Đó chính là sáng tạo.

Đó cũng chính là mục đích cao cả và tối thượng mà văn chương Đồng Tháp cần đạt đến.

Hữu Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn