Xây mới đền thờ người anh hùng có công giữ nước
Cập nhật ngày: 27/04/2016 11:23:33
Đến nay, Đền thờ Thiên Hộ Võ Duy Dương đã cơ bản hoàn thành. Từ đây, nơi thời cúng và lễ giỗ cụ Võ Duy Dương sẽ được tổ chức riêng, đáp ứng niềm mong ước của nhân dân.

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương
Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước Thiên hộ Võ Duy Dương, tại Khu di tích (KDT) Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), nhân dân đã lập Đền thờ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. Trước đây, Đền thờ được xây dựng vào năm 1958 để thờ cụ Đốc Binh Kiều. Đến năm 1991, đền được sửa chữa lại và thờ thêm Thiên Hộ Dương - vì Gò Tháp là đại bản doanh nơi ông lập căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân chống lại thực dân Pháp, tạo được tiếng vang khích lệ tinh thần cho nhân dân hưởng ứng phong trào kháng Pháp ở Nam bộ.
Theo Ban Quản lý KDT Gò Tháp, Đốc Binh Kiều là Phó tướng, còn Thiên Hộ Dương là Chánh tướng (tức chức vụ lớn hơn Đốc Binh Kiều) và thời gian mất cũng khác nhau. Tuy nhiên, hai cụ được thờ chung đền thờ và lại được tổ chức cùng ngày giỗ. Dự án bảo tồn tôn tạo di tích Gò Tháp đã quy hoạch tách đền thờ 2 cụ và xây mới đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương. Kinh phí xây đền thờ từ ngân sách nhà nước, đền đã hoàn thành dự kiến sẽ khánh thành trong lễ giỗ cụ Thiên Hộ Dương vào rằm tháng 11 tới. Diện tích tổng thể đền thờ là 4.400m2, sân vườn 3.616m2, diện tích đền thờ chính 644m2, 2 bên tả vưu hữu vưu 140m2, tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Đền thờ có cổng ngõ, tường rào, sân hành lễ, hệ thống trang trí điện chiếu sáng ở bậc thềm đền thờ,.... Quanh đền thờ cây cối tươi mát.
Cuối năm 2015, khi đền thờ cụ Thiên Hộ Dương đang xây dựng, chúng tôi có dịp gặp bác Võ Kim Sơn - cháu đời thứ 4 của cụ Thiên hộ Võ Duy Dương (bác Sơn cùng 9 người dòng họ Võ từ Bình Định vào viếng đền thờ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều). Khi chứng kiến việc xây mới đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, bác vô cùng xúc động: “Đã từ lâu trong sâu thẳm của lòng mình, bà con dòng họ anh hùng Võ Duy Dương, nguyện không bao giờ quên nghĩa tình mà người Đồng Tháp dành cho cụ. Trong tâm tưởng, bà con dòng tộc Võ Duy Dương luôn hướng, nhớ về Đồng Tháp. Đồng Tháp là một phần máu thịt, là tình cảm thân thương, là lòng tri ân vô hạn. Giờ đây, chúng tôi quý đất và người Đồng Tháp hơn khi đền thờ cụ Võ Duy Dương đang được xây dựng với kiến trúc đẹp, khang trang”.
Ông Nguyễn Hữu Lý - Giám đốc KDT Gò Tháp cho biết, năm nay khác hơn mọi năm là KDT Gò Tháp sẽ có 3 kỳ lễ hội thay vì 2 lễ hội. Đó là ngoài lễ hội vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp, năm nay sẽ tách lễ hội cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều thành 2 lễ hội khác nhau do đã có đền thờ dành riêng cho cụ Thiên Hộ Dương. Theo đó, rằm tháng 7 là lần đầu tiên tổ chức lễ hội Đốc Binh Kiều, rằm tháng 11 là lễ hội Thiên Hộ Dương.
Việc xây mới đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương được nhân dân và các ngành, các cấp đồng tình ủng hộ. Đền thờ là nơi tâm linh để nhân dân khắp nơi cúng viếng, tưởng nhớ người anh hùng đã có công giữ nước.
Cụ Võ Duy Dương |
Cụ Thiên Hộ Dương tên thật là Võ Duy Dương, sinh năm 1827. Cụ là con trai thứ 3 trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định). Từ nhỏ cụ là người sáng trí, khỏe mạnh, giỏi võ nghệ. Năm 1857, cụ cùng một số bạn bè hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương vượt biển vào Nam tìm đến đất Ba Giồng, ven Đồng Tháp Mười (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), quan hệ với nông dân, điền chủ, danh nho địa phương để tìm chỗ dựa cho cuộc chiêu dân, khai hoang lập ấp. Tháng 2/1859, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, cụ cùng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân chiêu mộ nông dân lập đội ứng nghĩa kéo về Gia Định đánh Pháp và được phong chức Chánh quản đạo. Cụ được triều đình điều về Quảng Nam dẹp cuộc nổi loạn của người Thạch Bích mà quan quân địa phương không tiễu trừ được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ được phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860.
Năm 1861, cụ được điều vào Nam với nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa dõng chống giặc, được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, nên trong một thời gian ngắn, cụ chiêu mộ được gần 1 ngàn nghĩa dõng và được phong chức Quản cơ. Năm 1862, Thiên Hộ Dương phối hợp với nghĩa quân Trương Định tấn công địch liên tục, khiến chúng phải rút bỏ nhiều đồn. Cũng năm 1862, Triều đình ký hiệp ước nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp vừa buộc nghĩa quân phải giải giáp và rút khỏi 3 tỉnh miền Đông. Từ đây, nhân dân đã phong cụ Võ Duy Dương làm Chánh Đề đốc.
Năm 1864, Trương Định hy sinh, nghĩa quân đứng trước nguy cơ tan vỡ nhưng với quyết tâm kiên trì chống giặc cứu nước, Thiên Hộ Dương không hề nao núng, rút vào Đồng Tháp Mười cho giai đoạn chiến đấu mới. Sau hơn 1 năm xây dựng căn cứ Tháp Mười với chiến thuật “im cờ giấu trống” trên cơ sở lực lượng có sẵn và lực lượng tại chỗ của Đốc Binh Kiều, Thống Linh, nghĩa quân Đồng Tháp Mười còn tập trung đông đảo nông dân khắp nơi. Năm 1865, nghĩa quân Đồng Tháp Mười bắt đầu tấn công tại Cái Bè, Cái Thia, Mỹ Quý,... Đặc biệt là rạng ngày 22/7/1865, Thiên Hộ Dương cho triệt hạ đồn Mỹ Trà khiến địch phải đưa viện binh từ Sài Gòn xuống cứu viện. Về sau, giặc Pháp đưa quân tấn công Đồng Tháp Mười. Dù có gây cho giặc thiệt hại đáng kể nhưng nghĩa quân mất một số tiền đồn, tình trạng nghĩa quân ngày một khó khăn, vũ khí, lương thực thiếu thốn. Tháng 10/1866, Thiên Hộ Dương cử người mang mật báo cho vua Tự Đức. Tháng 11, cụ vượt biển về kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ cụ bị Lý Sen - một tên cướp biển giết chết. Thiên Hộ Dương nằm xuống nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của cụ mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Đồng Tháp Mười anh hùng.
|
Hữu Nghĩa