Đọc “Mười năm vẫn mới màu hoa cũ” - Từng trang thương nhớ tinh khôi

Cập nhật ngày: 18/06/2014 05:02:03

Có thể nói, khi bạn đang cầm trên tay quyển sách “Mười năm vẫn mới màu hoa cũ” - thơ Lê Minh Chánh nghĩa là bạn đang cùng Chánh lặng mở từng trang thương nhớ tinh khôi.

Ở đấy có những nỗi hoài vọng về những tháng ngày đã qua, nhiều khi nhẹ nhàng mà đọc lên cũng đủ buồn tao tác. Nó cơ hồ tựa như một cuộc hành trình cho ta tìm gặp lại chính mình trong bản ngã yêu thương. Mà lẽ đời thường bao giờ cũng thế, những gì đã qua dễ làm người ta hoài tiếc: “khi nhận ra đó là hạnh phúc/thì biết bao năm tháng qua rồi/tiếng ve bấu vào cây đá/không neo nổi mùa trôi”. Dòng thời gian vẫn thế, âm thầm chảy vào miên man tuổi, lặng lẽ trôi rồi cuối cùng để lại cho lòng người bao vết xước đớn đau: “bài ca cũ câu quên câu nhớ/ ai vụng về ngồi đánh ghi ta/khi nhận ra đó là hạnh phúc/rất khẽ khàng chim đập cánh bay qua” (Nhớ lại).

Đi qua nhiều vùng đất khô cằn của thời gian, một hôm tỉnh người giật mình xòe tay đo đếm những ngắn dài của năm tháng tinh khôi, mới hay rằng đâu gì đẹp bằng những hoài niệm tuổi thơ. Với Lê Minh Chánh cũng thế, chàng thi sĩ thích ruổi rong ấy vẫn cất giữ thật kĩ và nâng niu từng trang tuổi nhỏ, ở nơi ấy con đường làng vẫn vang lên lọc cọc tiếng xe bò, lũ trẻ con với chiếc kèn dừa thổi rung lên màu xanh tuổi mật, chiếc đèn lon thắp lên lóng lánh ánh trăng mơ. Bên triền sông, lục bình bung lên tím rực một màu thủy chung, chỉ con nước dửng dưng vô tình kéo thương nhớ trôi xa. Để “lúc ấy dòng sông lóng lánh ánh vàng/mái dầm khua chiếc xuồng ai về muộn/long lanh sông vàng lang thang những cụm lục bình hoa tím/đom đóm chập chờn bay trong tiếng thầm thì của ngàn lá ven sông” (Mơ).

Tôi thích những bài thơ viết về sông của Chánh, quê anh ở Cù lao Tây, nghĩa là muốn sang phố thị tất phải qua đò. Dòng sông ấy đã trở thành một dòng sông của ngăn cách, chia ly, đó là nơi “ta gửi lại nỗi buồn tinh khiết ấy/một chút tình như sương khói mong manh/rồi xuôi ngược giữa dòng đời trôi chảy/từ xuân nào vườn em đế trắng bong”, là nơi “em lấy chồng rồi ta lấy dòng sông làm khoảng cách/sương khói chơi vơi hoài vọng một bến bờ” (Thanh Bình). Dòng sông lằng lặng chảy vào tâm hồn anh những dự cảm mong manh về thân phận: “mưa rơi ngập trắng chuyến phà/hai bờ vô ảnh - buồn qua bờ nào/nhờ em tiếng hát xanh xao/nỗi người bỏ xứ vịn vào qua mưa” (Sông Tiền đêm ấy). Sông vẫn mải miết trong hành trình về với biển cả bao la của mình, còn riêng con người - cuộc hành trình đi về phía ngày mai hẳn còn là một chuyến đi phiêu định: “nhẫn nhục trôi rồi sông hóa mênh mông/xuôi ngược dòng đời ta biết đâu bờ bến/ngơ ngác quẩn quanh chẳng tìm ra nơi đến/đành quay về hát khúc đợi chiều lên” (Tản mạn).

Ấy là anh đang quay về tìm lại màu màu hoa cũ, một góc sân nhà nơi mẹ anh vẫn từng chiều mỏi mòn ngóng vọng, vì anh hiểu dù có đi đến đâu đi nữa, thì tấm lòng của mẹ vẫn là cao cả bao dung: “người ta ghét có mẹ thương/chảy xuôi nước mắt một đường gột trôi” (Nhớ mẹ). Mẹ cũng như giàn hoa giấy trước hiên nhà: “mười năm vẫn mới màu hoa cũ/ráng nửa mùa rơi cây mệt già/mình về ôm chổi không đành quét/thương khoảng sân nghèo chút đỉnh hoa” (Màu hoa cũ). Ừ thì cứ giữ lại thôi Chánh ơi, bởi lẽ đời vốn “cũng đã buồn như thế”, khi “ta về trên dốc tuổi/áo xanh đã nhạt nhòa/áo vàng không đợi nữa/chỉ còn mimosa” (Mimosa).

Trong tập thơ này của Lê Minh Chánh, người đọc dễ dàng tìm thấy nhiều câu mang đậm chất triết lí, ngẫm ra nó còn chín chắn, già dặn hơn nhiều so với cái tuổi của anh. Ấy là những chiêm nghiệm về buồn vui được mất, cái lẽ hơn thua còn lại trên đời “buồn vui, nghễu nghến, ngả nghiêng/còn quay còn đứng được trên cõi đời!/Sẽ bao lâu hở trò chơi/vòng quay đứng sựng ta rời rã đi/bia nằm rêu mọc xanh rì/vụ lăn xuống dốc còn gì tiếng tăm” (Quay quay bông vụ). Hay đơn giản hơn Minh Chánh quan niệm về sự “đi” của mình “đi là trốn chạy cô đơn” (Hồi âm). Để giữa chặng hành trình “trốn chạy”, phiêu bạt ấy, có dịp dừng chân, nghe lại lời em hát, chút bâng quơ ngày cũ theo gió mới bay về mới chợt hay rằng: “nghe câu hát ru xưa/nghe tiếng người vẫy gọi/lòng như tờ giấy mới/viết thêm: yêu lắm cuộc đời” (Về quê).

Ý niệm về cách tân thi pháp cũng đã được Chánh thể hiện khá rõ trong “Mười năm vẫn mới màu hoa cũ”, ấy là hình thức không viết hoa đầu dòng trong tất cả các bài thơ, nhiều bài cũng không có dấu hiệu mở đầu và kết thúc, nó như một lát cắt tâm trạng trong chuỗi dài những trăn trở suy tư. Những câu rớt dần chữ cơ hồ tựa giọt nước đang chực chờ rơi xuống vừa mang tính gợi hình vừa ẩn chứa tâm trạng:

chắt lại đêm đen

cà phê rơi

giọt

giọt”

(Đoản khúc cho mùa).

Hình thức lục bát vắt dòng vừa đủ tạo khoảng lặng, vừa như kéo dài thêm cảm xúc và thời gian, để những hoài vọng trở thành miên man không dứt:

lăn đi

bông vụ tròn xoay

tim lăn...

tháng tháng ngày ngày

đảo điên

Ba mươi bài thơ của “Mười năm vẫn mới màu hoa cũ” là ba mươi cung bậc khác nhau của cảm xúc, vẫn còn đôi bài, đôi câu chưa thật sự tròn trĩnh; nhưng chính sự chưa tròn trĩnh ấy đủ cho người đọc có chút gì luyến tiếc, bâng khuâng. Và sau chuyến hành trình trở lại lòng mình cùng Chánh, ta chợt nhận ra thềm hoa trước sân nhà vẫn đương vàng nắng, bầy chim nhỏ bay về phía bên kia sông mang theo từng chùm thương nhớ cũ, mang theo những lời hò hẹn trôi xa, “ngỡ máu tim mình tầm tã/khóc hoang vu tuổi biết buồn”...

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác