Nguyễn Giang San - Dấu ấn thơ trẻ Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 14/08/2013 05:39:38

Tác giả Nguyễn Giang San (SN 1983) quê xã An Bình, huyện Cao Lãnh được xem là nhà thơ thuộc thế hệ 8x nhiều triển vọng của tỉnh nhà và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Tác giả Nguyễn Giang San (người thứ ba bên phải qua)

Nguyễn Giang San cho biết, chính bởi niềm đam mê văn chương đã đưa anh đến với thơ ca khá sớm. Anh trở thành cộng tác viên của nhiều tờ báo, tuần san trong và ngoài tỉnh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhìn lại chặng đường thơ mà Nguyễn Giang San đã đi, dường như anh đã làm được nhiều hơn so với tuổi ba mươi của mình: năm 2003 anh đạt giải Ba cuộc thi thơ “Gửi tới yêu thương” của Báo Mực Tím - cuộc thi dành cho các tác giả chuyên và không chuyên của cả nước, năm 2006 anh trở thành đại biểu chính thức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, năm 2007 in tập thơ đầu tay: “Đếm ngón tay”, năm 2009 in tập thơ thứ hai: “Vườn nhớ”, năm 2011 đạt giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Tháp và giải Ba cuộc thi thơ Xuân thành phố Cao Lãnh, đạt hai giải B và hai giải C trong các đợt xét đầu tư tác phẩm VHNT của Hội VHNT Đồng Tháp; gần đây nhất tại cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V do tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức, với 531 tác phẩm tham dự, bài thơ “Gió heo may” của anh là 1 trong 9 tác phẩm xếp giải, đây cũng là giải thưởng duy nhất mà Đồng Tháp có được tại cuộc thi lần này.

Giang San thường gởi hết cái tình lẫn cái tâm vào thơ nên thơ anh giàu tính triết lí, đặc biệt nhất là khi anh viết về phụ nữ, dường như Giang San cũng đau bằng chính nỗi đau của họ, cùng xót và cùng tủi với họ. Chẳng hạn như lời người em dỗ chị trong bài “Chị tôi”: “Nắng vàng hắt bóng qua sông / Nhà mình quen thiếu đàn ông lâu rồi / Chị về/ Con má má nuôi/ Võng đưa nhẹ nhẹ xót lời chị ru”.

Thế giới thơ của Nguyễn Giang San là thế giới của tình yêu quê hương xứ sở, những hoài vọng về một tình cảm đã thành xa xôi, sự sẻ chia thân phận, và đặc biệt là cảm thức về thời gian và sự thay đổi. Cảm thức ấy được anh cụ thể bằng những hình tượng độc đáo. Ta không khỏi giật mình nhận ra sự biến đổi quy luật thiên nhiên dẫn đến ĐBSCL phải khát lũ trong thơ anh: “Người nông dân chai tay trên luống đất bạc màu / Cây lúa trổ bông sau nhiều lần bật khóc / Điên điển quên vàng hoa bông súng đồng quên mọc / Me chua dầm cá nục kho khô” (Dưới đám mây sẫm màu).

Không như nhiều tác giả trẻ khác chọn hướng đi bằng sự phá cách của thơ tự do, Nguyễn Giang San vẫn lấy lục bát làm nền tảng cho sự sáng tạo của mình. Lục bát vốn dễ viết nhưng để viết hay thì thật khó. Ấy vậy mà lục bát của Nguyễn Giang San được những người trong giới phê bình đánh giá là “mộc mạc, dung dị, dạt dào cảm xúc tự nó đã có sức hút riêng đối với bạn đọc” (Trương Trọng Nghĩa - Hội VHNT Tiền Giang) hay “đầm đẫm một hồn thơ lục bát” (Hữu Nhân - Hội VHNT Đồng Tháp).

Với hành trang thơ mà mình đang có, có thể nói Nguyễn Giang San là đại diện tiêu biểu cho dấu ấn thơ trẻ Đồng Tháp trên bình diện thơ ca ĐBSCL đương đại.

Như Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác