Nhà văn Phạm Thị Toán - Người vẽ chân dung những “Sơn Tinh” thời hiện đại

Cập nhật ngày: 20/10/2016 06:44:31

Trong một lần dự lớp tập huấn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Tháp, tôi may mắn có được quyển sách “Sơn Tinh thời nay” – tập truyện ký do nhà văn Phạm Thị Toán gửi tặng. Để rồi đọc nó, tôi như bị lôi cuốn vào thế giới nhân vật của những con người rất thật giữa cuộc sống đời thường mà rất đỗi anh hùng trong công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc qua nhiều bút ký vô cùng sống động của chị.


Nhà văn Phạm Thị Toán (thứ 2 từ trái qua) nhận giải tại một cuộc thi viết

Đó là câu chuyện về anh nông dân Hồ Văn Bé Hùng – người thành lập và phát triển trang trại cá sấu với tổng vốn đầu tư hơn hai triệu USD tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh qua bút ký “Anh nông dân Mỹ Hiệp với bầy ngạc ngư”. Đó là chân dung của một con người dám nghĩ, dám làm khi nhìn ra cá sấu tuy là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nhưng dễ nuôi, dễ chăm sóc mà mang lại lợi nhuận vô cùng hấp dẫn; từ cá sấu giống, cá sấu thịt, các sản phẩm da đều mang tính kinh tế rất cao.

Hay câu chuyện về chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, gương mặt đại diện cho trên 600 cán bộ công chức toàn ngành nông nghiệp được cử về dự liên hoan điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh năm 2009 với một điều ước hết sức giản dị: “Ước sao tất cả nông dân ngày càng giàu có, sung túc”. Trong tác phẩm ký “Giá cho tôi có một điều ước”. Và để thực hiện điều ước của mình, chị đã không ngại gian khó cùng nhiều cán bộ kĩ thuật nông nghiệp bám sát địa bàn, theo dõi cụ thể từng trà lúa, từng khu vực, “sống với rầy như dân đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ”.

Ấn tượng hơn cả với tôi chính là câu chuyện về ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự với công cuộc hộ đê, bảo vệ lúa giữa mùa lũ 2011. Khi mực nước trong ruộng và ngoài sông chênh nhau tới hơn 4m, ông cũng nhảy ùm xuống dòng nước cuồn cuộn chảy, lặn mò xem xét cả đoạn chân đê để đưa ra cách ứng phó. Ông vừa là người đưa ra phương án, vừa cùng với bộ đội, nông dân bảo vệ thành công nhiều đoạn đê xung yếu, bảo vệ cho hơn 2.600 ha lúa vụ ba đã bắt đầu ngậm sữa. Đó không chỉ là hình ảnh của người cán bộ hết lòng vì cuộc sống của người dân mà đó thật sự là hình ảnh của một Sơn Tinh thời nay.

Tìm hiểu thêm được biết, chị Phạm Thị Toán sinh năm 1957, hiện đang là biên tập viên Báo Văn nghệ Đồng Tháp. “Sơn Tinh thời nay” là tập sách thứ hai của chị, trước đó chị từng xuất bản tập truyện ký Ánh trăng (NXB Văn Nghệ 2008). Trong nhiều năm gần đây nhà văn Phạm Thị Toán liên tục đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi viết của tỉnh, khu vực và toàn quốc, nhất là ở thể loại bút ký. Cụ thể: năm 2013 đạt 1 giải 3 và 1 giải khuyến khích cuộc thi viết về Tây Nam bộ; năm 2014 giải nhất cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam, giải khuyến khích cuộc thi viết của Báo Phụ nữ thủ đô; năm 2015, giải khuyến khích cuộc thi viết Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Báo Nhân dân tổ chức; năm 2016 giải tư Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chị cũng từng đạt 2 giải B giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu của tỉnh Đồng Tháp cùng nhiều giải thưởng khác.

Khi tôi hỏi chị về những dự định sáng tác đang còn ấp ủ, chị mỉm cười cho biết, dự định không gì khác hơn là được ghi lại một cách chân thực nhất hình ảnh đẹp đẽ về những tấm gương học tập, lao động sản xuất của quê hương mình. Bởi lẽ chính mỗi cuộc đời họ đã là một trang văn.

Tôi và người đọc sẽ lại chờ những tác phẩm mới của chị!

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn