Tản mạn cuối năm

Cập nhật ngày: 01/02/2016 12:32:56

Buổi sáng ngày đưa ông Táo về trời, Tư tôi cùng mấy ông bạn cựu chiến binh, hưu trí trong xóm, gặp nhau uống trà, tám chuyện tỉnh nhà trong năm 2015, rôm rả lắm.

Tư tôi nói: “Chuyện năm 2015, Tỉnh ủy, UBND và các ngành đã tổng kết, đưa ra các sự kiện tiêu biểu trong năm rồi. Bây giờ bọn già mình bàn chuyện cụ thể mấy ngày Tết, có đề xuất ý kiến gì và mình phải làm gì...”.

Ông Năm gợi ý: “Mỗi người đưa ra một vấn đề, vậy mới mở rộng dân chủ, mới huy động trí tuệ mọi người chớ”. Và ông xin phát biểu trước: “Tết là việc của mỗi gia đình và của cộng đồng. Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể đều chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nào cất nhà tình thương, nhà đồng đội, quyên góp tiền, gạo, thực phẩm, quần áo... trao tặng để mỗi người, mỗi nhà đều có Tết. Tết năm rồi phường mình vận động tiền được mười triệu và mấy bà, mấy chị phân công nhau lo nếp, lo đậu, lo lá, xúm nhau gói bốn trăm đòn bánh tét mang tặng gia đình nghèo”.

Ông Sáu gật gù đồng ý, ông phân tích thêm: “Lá lành đùm lá rách là đạo lý, tình nghĩa. Nhưng phải tuyên truyền để gia đình nghèo, người nghèo không ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của bên ngoài, mà bản thân mình, gia đình mình phải tự trọng, tự phấn đấu vươn lên làm ăn để thoát nghèo”.

Ông Hai đằng hắng: “Tết là phải vui. Ở thành phố, thị xã thì có bắn pháo bông, có triển lãm, biểu diễn văn nghệ... dân có chỗ đến vui chơi. Tôi mong là ở vùng nông thôn, Đảng, chính quyền nên có kế hoạch huy động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh bày ra các trò chơi dân gian, có tính cộng đồng như thi làm bánh, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, làm văn nghệ... để nhiều người tham gia, vui chơi, tránh để xóm làng buồn tẻ, rồi sa vào nhậu rượu, say xỉn, cờ bạc, đá gà ăn tiền, chạy xe quá tốc độ gây tai nạn giao thông... Ba ngày Tết mà phải vô bệnh viện cấp cứu thì mất hết vui”.

Mọi người tán thành. Ông Tám lý luận hơn: “Tết là Tết dân tộc. Ăn uống, vui chơi, thăm viếng và cả ăn mặc cũng thể hiện bản sắc dân tộc, nét đẹp riêng có của dân tộc mình. Thời đại công nghiệp, bà con ta không còn phải mất thời gian, công sức quết bánh phòng, tráng bánh, làm bánh mứt, vì hầu hết đã được sản xuất công nghiệp làm thay, vô siêu thị, ra chợ có tất tần tật. Lợi ích rất rõ nhưng cũng mất đi cái tài, cái khéo của mấy chị, tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên. Những đêm cuối tháng chạp mà không nghe tiếng chày quết bánh phồng ạch ình thiệt buồn lắm. Ba ngày Tết mà trên đường trai gái ăn mặc xa lạ với người Việt Nam, khiến Tết Việt mà tưởng Tết Tây, Tết u gì đâu. Tôi thèm ngày Tết các cô gái mặc áo dài, cả trẻ em cũng vậy; khách nước ngoài nhìn thấy đúng là hình ảnh Tết Việt Nam”.

Ông Chính hắng giọng: “Ngay trung tâm thành phố Cao Lãnh mình có công viên Văn Miếu, công viên Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi,... bà con thường đến vui Tết, nếu không có tổ chức, bày biện gì, vắng như ngày thường thì chẳng biết đi chơi đâu...”.

Tư tôi cũng xin góp ý: “Cả chục năm nay nhiều anh em cựu chiến binh, hưu trí hẹn nhau có mặt lúc bảy giờ sáng mùng một Tết tại khu mộ Cụ Phó bảng thắp nhang tưởng niệm Cụ, sau đó đến thắp nhang, tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, rồi đến chúc Tết Thành ủy Cao Lãnh. Việc này đã thành lệ. Tiếc là mỗi năm vắng một vài người vì qua đời. Cho nên anh em mình phải vận động thêm trong cựu chiến binh, người hưu trí nhập đoàn đi viếng Tết cho luôn đông đảo”.

Tất cả đồng tình rồi hẹn nhau chiều nay trời dịu nắng, đi vô chợ hoa xem năm nay có hoa kiểng gì mới lạ hơn...

Tư Rèn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn