“Ông Bụt” giữa đời thường
Cập nhật ngày: 18/11/2013 04:51:29
Ở thành phố Sa Đéc, khi nhắc đến tên thầy giáo Nguyễn Văn Mốt, mọi người đều tỏ thái độ kính trọng, bởi thầy là tấm gương sáng về nhân cách sống để mọi người noi theo. Thầy là người có công khởi xướng hình thành nên nhiều mô hình giúp đỡ người nghèo có hiệu quả, nhiều người đã ví thầy như “ông Bụt” giữa đời thường.
Thầy Nguyễn Văn Mốt tại nơi làm việc
Tuổi cao nhiệt huyết càng cao
Dù đã chính thức nghỉ hưu từ năm 2000, hiện nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng trong công việc giúp đỡ người nghèo thầy Nguyễn Văn Mốt rất hăng say.
Thời gian biểu trong ngày của thầy Nguyễn Văn Mốt luôn đầy kín các công việc có liên quan đến giúp đỡ người nghèo. Nào là kiểm tra, điều hành của Hội Bảo trợ người khuyết tật, Trẻ mồi côi và Bệnh nhân nghèo (BTNKN,TMC và BNN), nắm tình hình hoạt động của Tổ Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, theo dõi hoạt động của Nhà Tình thương, Nhà Hỏa táng từ thiện, hỗ trợ hoạt động của Bếp ăn khuyến học Sa Đéc,... công việc nào thầy cũng dành hết tâm huyết thực hiện, bởi theo thầy Mốt, nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì trong lòng cảm thấy ray rứt không yên. Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Mốt không ngừng nhắc đến chuyện người nghèo. Từ chuyện làm sao giúp cho họ có được cơm ăn, áo mặc, học hành, đến việc thuốc thang, chôn cất khi họ “lìa xa” trần thế.
“Cha đẻ” của nhiều mô hình vì người nghèo
Năm 1992, khi còn làm việc ở Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh, trong một lần vào Bệnh viện Sa Đéc (nay là Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc), thầy Nguyễn Văn Mốt thấy nhiều gia đình bệnh nhân đem củi, gạo,... vào phía sau bệnh viện kê gạch nấu cơm vô cùng khó nhọc. Thầy liền đề xuất ý kiến thành lập Tổ Từ thiện nấu phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí.
Được lãnh đạo bệnh viện khi đó ủng hộ, thầy tích cực về bàn bạc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến xin ý kiến lãnh đạo tỉnh cho thành lập. Lúc đầu, lãnh đạo tỉnh còn dè dặt vì mô hình quá mới, nhưng qua sự thuyết phục của thầy Nguyễn Văn Mốt cùng các thành viên khác, Tổ Từ thiện chính thức đi vào hoạt động ngày 24/7/1992. Đến nay, trải qua hơn 21 năm tồn tại, Tổ hoạt động hiệu quả cao và trở thành mô hình điển hình để nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động.
Thầy Mốt trong một lần đi làm từ thiện
Thầy Nguyễn Văn Mốt cũng là người đã có công khởi xướng và vận động thành lập các mô hình hoạt động vì người nghèo khác như: Trung tâm Dạy nghề cho phụ nữ nghèo tỉnh (thành lập năm 1990 và giải thể sau 10 năm hoạt động), Nhà Tình thương (năm 1991), Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (năm 1993), Nhà Hỏa táng từ thiện Sa Đéc (năm 2006). Thời gian ngắn sau, thầy Mốt tiếp tục vận động hình thành mô hình “Thọ từ thiện” để hỗ trợ quan tài miễn phí cho người nghèo khi có nhu cầu. Chu tất hơn, thầy còn vận động kinh phí để thực hiện mô hình “Xe tang từ thiện” vận chuyển miễn phí cho người nghèo khi có hữu sự.
Năm 2010, khi nhiều trường học áp dụng chương trình học hai buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục, thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường, buổi trưa phải ở lại trường ăn xôi hoặc ăn bánh mì,... có thể không đảm bảo sức khỏe học tập tốt được, thầy Nguyễn Văn Mốt bàn bạc với Hội Cựu giáo chức đề xuất với Hội Khuyến học và lãnh đạo UBND thị xã Sa Đéc (nay là thành phố Sa Đéc) thành lập “Bếp ăn khuyến học” nhằm cung cấp miễn phí bữa cơm trưa cho học sinh nghèo. Song song với mô hình trên, thầy Mốt cũng đề xuất thành lập “Tủ sách khuyến học” để hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Hiện các mô hình này hoạt động rất hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực cho xã hội, đang được nhiều địa phương trong tỉnh nhân rộng.
Đồng cảm và chia sẻ
Đối với những việc đã làm, thầy Nguyễn Văn Mốt cho biết, đó là do duyên số và sự đồng cảm đặc biệt đối với người nghèo bởi thầy vốn xuất thân trong gia đình nghèo không ruộng đất, có đến 8 anh, chị em ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Để được đi học, lúc nhỏ thầy phải vô ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi lên Sài Gòn học, thầy đi dạy kèm và ngủ nhờ hành lang của các chùa,... Thầy Nguyễn Văn Mốt chậm rãi nói: “Chắc có lẽ vì vậy mà mình gắn bó với người nghèo là do mình đã trải qua quảng đời cơ cực”.
Khi học xong trường sư phạm và trở thành giáo viên vào năm 1964, thầy Nguyễn Văn Mốt dạy môn Văn và Ngoại ngữ ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp. Thầy bí mật hoạt động cho các tổ chức cách mạng ở những địa phương mình đến dạy học và thầy được kết nạp Đảng năm 1974. Thầy từng tham gia đại diện Ban khởi nghĩa tiếp quản tỉnh Sa Đéc thời điểm giải phóng miền Nam, tham gia công tác Mặt trận ở thị xã, Hội Hữu nghị Việt-Xô, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị,... Dù làm ở đâu, bất cứ công việc gì thầy cũng quan tâm đến người nghèo bằng cái “tâm” trong sáng.
Hiện thầy Nguyễn Văn Mốt được địa phương tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Hội BTNKN,TMC và BNN thành phố Sa Đéc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Sa Đéc; Phó Trưởng ban Điều hành Tổ từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Phó Trưởng ban Quản lý Nhà hỏa táng Từ thiện Sa Đéc; Chủ nhiệm Nhà tình thương,...
Thầy Nguyễn Văn Mốt nói: “Được tín nhiệm, giúp đỡ cho xã hội việc gì được thì mình cứ làm. Nhờ hoạt động xã hội mà nhiều thế hệ học trò cũ lâu ngày không gặp tìm đến thăm hỏi, đóng góp ủng hộ các mô hình từ thiện của mình”.
Khi chia tay chúng tôi, thầy Mốt lên kế hoạch bản thân sẽ cống hiến để trụ sở mới của Tổ Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đưa vào hoạt động khang trang, thay đổi nấu bằng điện và gas công nghiệp thay cho đốt trấu, góp sức củng cố hoạt động của Nhà Tình thương, Nhà Hỏa táng từ thiện và Bếp ăn khuyến học ngày càng hoạt động hiệu quả.
Hoạt động hết lòng vì người nghèo, vì xã hội, người thầy 74 tuổi đời và gần 40 năm tuổi Đảng-Nguyễn Văn Mốt xứng đáng để mọi người yêu mến, quý trọng, xứng đáng được mọi người trìu mến ví như “ông bụt” đời thường. Chúng tôi tin những gì thầy Nguyễn Văn Mốt có công thực hiện rồi sẽ mãi đơm hoa và mãi để lại quả ngọt cho đời.
Thuận Thảo