“Thợ thuyền già có lương hưu trí”

Cập nhật ngày: 26/04/2021 12:53:23

Đó là lời hiệu triệu người lao động (NLĐ) (thợ thuyền) trong Tuyên ngôn của Chương trình Việt Minh đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đưa ra vào năm 1941. Mục tiêu này đã được Đảng và Nhà nước ta kiên định suốt 70 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và đã được cụ thể hóa trong Luật bảo hiểm xã hội (BHXH), khẳng định sự cần thiết phải có lương hưu, vì đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mỗi NLĐ, mà đây là vấn đề chính sách, chính trị của giai cấp công nhân lao động.

Việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.

Đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của NLĐ. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách; tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ.

Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể: sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới bảo hiểm hưu trí vì mục tiêu an sinh xã hội dài hạn. Nhiều quốc gia đã hoàn toàn xóa bỏ BHXH một lần đối với tầng hưu trí cơ bản. Đây là kinh nghiệm quan trọng để chúng ta học hỏi thiết kế, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH.

(Trích phát biểu của ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn