“Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” - mô hình mới

Cập nhật ngày: 03/10/2014 04:42:55

Tổ “Dân phòng - Khuyến học” (DPKH) là nơi tập hợp quần chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất để phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, qua đó vận động nhân dân thi đua thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương. Qua 5 năm thực hiện nhân rộng mô hình này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình và gương điển hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, toàn tỉnh có 10.404 tổ DPKH, riêng ở huyện Cao Lãnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Tổ “Dân phòng - Liên kết” trên nền tảng Tổ DPKH nhằm phát huy hơn nữa vai trò hoạt động đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học và sản xuất nâng cao đời sống nhân dân. Thông qua mô hình hoạt động Tổ DPKH, các hoạt động quần chúng ngày càng được đẩy mạnh bằng các phong trào, chương trình của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Có thể khẳng định, Tổ DPKH là mô hình tự quản cộng đồng rất tốt trong dân cư được thể hiện ở nhiều lĩnh vực đời sống như chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, chăm lo việc học hành để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, thực hiện tốt việc ý thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông... Đây là nơi tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ trong xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tham gia đóng góp công sức, trí tuệ để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong công tác tổ chức triển khai thực hiện mô hình cũng còn những hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo duy trì, cũng như nâng chất lượng hoạt động của các mô hình, có nơi chưa phát huy vai trò nòng cốt của đảng viên để giúp các tổ duy trì họp lệ theo định kỳ, tinh thần làm chủ và ý thức tự quản cộng đồng của nhân dân chưa phát huy hết, còn tâm lý trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên; công tác phối hợp chưa tốt, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, phát sinh nhiều vấn đề bất cập, còn chồng chéo nhiệm vụ, chưa thống nhất tổ chức mô hình thực hiện trong toàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình trên, khắc phục những hạn chế phát sinh trong quá trình hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện mô hình mới, đó là “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” để thay thế các mô hình nêu trên, đồng thời phát huy tính sáng tạo trong những mô hình mới, cách làm hay, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và nhân dân ở khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo tiến hành sơ kết, đánh giá đúng thực chất những kết quả đạt được, nguyên nhân những hạn chế, yếu kém của mô hình Tổ DPKH và triển khai thí điểm mô hình mới “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng”. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn từ 2 đến 3 khóm, ấp tổ chức thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm.

Tổ “Nhân dân tự quản cộng đồng” là một hình thức tổ chức dân cư theo không gian cư trú, giúp chính quyền cơ sở thực hiện công tác quản lý hành chính, xây dựng khối đại đoàn kết, đời sống văn hóa và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Nét đặc trưng của “Tổ nhân dân tự quản cộng đồng” được thể hiện ở các đặc điểm như: người dân trong tổ thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng hoặc quen biết lâu đời và có tập quán, lối sống giống nhau; có truyền thống đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau khi khó khăn; có lòng tự hào về truyền thống, danh tiếng của dòng họ và địa phương mình. Chính nét đặc trưng này làm nên sức mạnh của mô hình này, đó là sức mạnh cộng đồng, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tăng cường tốt hơn tình làng nghĩa xóm và làm chuyển biến nhận thức của nhân dân trong việc tham gia xây dựng xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn