10 năm đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số

Cập nhật ngày: 27/02/2015 13:21:44

Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh xác định rõ trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ; tổ chức bộ máy làm công tác dân số được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền;...

Huyện Cao Lãnh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về dân số

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đưa nội dung này vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác này theo mục tiêu đề ra. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ việc truyền thông, cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến vùng sâu, các xã đông dân, có tỷ lệ sinh con thứ ba cao thông qua truyền thông trực tiếp (đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên) và gián tiếp (thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, các đợt truyền thông cao điểm), giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và thực hiện tốt chính sách về DS-KHHGĐ; tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp, nhất là tư vấn và đối thoại; xây dựng mô hình mới về truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ, lồng ghép với hoạt động của các ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, tạo sự tác động đồng bộ của các kênh và các loại hình truyền thông. Các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động DS-KHHGĐ và được sự đồng tình ủng hộ, hưởng ứng của quần chúng nhân dân như: Hội Liên hiệp Phụ nữ có “Câu lạc bộ tổ phụ nữ không sinh con thứ ba”; Hội Nông dân có mô hình 6 chuẩn mực “Chi hội nông dân không sinh con thứ ba trở lên”; Đoàn thanh niên có các mô hình: Câu lạc bộ gia đình trẻ, Câu lạc bộ tiền hôn nhân”; Liên đoàn Lao động có “Câu lạc bộ nữ cán bộ công chức, viên chức lao động”. Từng đơn vị, địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia và huy động nguồn lực tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động trực quan như: tờ rơi, tờ bướm với nội dung về các gói dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ; áp phích, poster tuyên truyền lưu động về các biện pháp tránh thai tại các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn.

Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ được củng cố và phát triển từ tỉnh đến xã. Toàn tỉnh có 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học, y sĩ sản nhi; 100% cơ sở y tế xã thực hiện một số thủ thuật cơ bản về phòng, tránh thai. Mạng lưới cung cấp phương tiện tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên cơ sở được triển khai, tập huấn để thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về các biện pháp tránh thai giúp cho các nhóm đối tượng có cơ hội lựa chọn các biện pháp tránh thai thích hợp, gắn dịch vụ KHHGĐ, làm mẹ an toàn và các nội dung chăm sóc SKSS với công tác tư vấn, truyền thông và vận động cộng đồng.

Cùng với việc duy trì mục tiêu giảm tỷ suất sinh một cách hợp lý, các vấn đề liên quan đến cải thiện chất lượng dân số như: giảm tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tuổi thọ trung bình... cũng được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Các hoạt động cụ thể triển khai nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: công tác tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, hỗ trợ sinh sản cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, được triển khai bước đầu đạt hiệu quả nhất định.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, tỉnh đã đạt được những mục tiêu đề ra: mức sinh thay thế tiếp tục được duy trì, cân bằng giới tính được giữ vững, tỷ suất sinh thô giảm, tỷ lệ các cặp vợ chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai tăng, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm,... góp phần ổn định quy mô dân số cả nước. Chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu từng bước được nâng cao, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2005-2014, tuổi thọ trung bình của dân số tăng từ 70,3 tuổi lên 72,8 tuổi, số năm trung bình sống khỏe đạt 67 năm; trình độ dân trí được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là chăm sóc SKSS được quan tâm, qua đó đã giảm tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, tỷ lệ bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi tử vong giảm, trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván tăng lên.

TN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn