Ấp Đông Định trong công tác giảm nghèo
Cập nhật ngày: 27/11/2013 05:15:34
Đông Định là một trong 4 ấp của xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh). Hai năm trở lại đây, bằng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xã, ấp, nỗ lực của bản thân, hộ nghèo ở ấp Đông Định giảm rõ rệt. Đầu năm 2012, ấp có 82/741 hộ nghèo chiếm 11.06% số hộ trong ấp, trong 2 năm 2012-2013, ấp có 37 hộ thoát nghèo (trong đó năm 2012 là 20 hộ, năm 2013 là 17 hộ), giảm tỷ lệ hộ nghèo của ấp đến nay xuống còn 6,59%.
Chị Mỹ Châu chăm sóc đàn heo
Để ấp kéo giảm nghèo, đầu năm 2012, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã chọn ấp Đông Định làm điểm xây dựng ấp điểm thoát nghèo và tiến tới xóa nghèo.
Bước vào thực hiện, Ban công tác Mặt trận ấp phối hợp với trưởng ấp và chi tổ hội các đoàn thể khảo sát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo trong ấp (năm 2012, trong 82 hộ nghèo có 12 hộ có hoàn cảnh cô đơn, bệnh tật (loại 1), 68 hộ có khả năng thoát nghèo nếu được hỗ trợ vốn (loại 2) và 2 hộ lười lao động). Trên cơ sở đó, Ban công tác Mặt trận ấp cùng Thường trực MTTQ xã đến gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh thực tế về nghề nghiệp, sinh hoạt đời sống và tâm tư nguyện vọng của các hộ nghèo, tham mưu với chi bộ ấp phân công đảng viên, chi tổ hội, hội viên nòng cốt kèm cặp, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận ấp còn đề nghị MTTQ và các ngành, đoàn thể xã có những giải pháp giúp đỡ hộ nghèo. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), từ nguồn vốn của tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo khi cần vốn đột xuất; tổ làm thuê của hội liên hệ với những nơi cần lao động phổ thông như hái ớt, làm vệ sinh vườn, thu hoạch bắp, mận...; Đoàn thanh niên giới thiệu việc làm cho thanh niên đi làm ở các tỉnh, thành phố lớn thông qua các kênh giới thiệu việc làm của Nhà nước và các kênh khác; Hội Nông dân giới thiệu những hộ nghèo thiếu vốn được vay vốn ngân hàng, phối hợp hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt, hướng dẫn sử dụng đồng vốn đúng mục đích; Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi gần gũi với hộ nghèo loại 1 để giúp đỡ khi có khó khăn và động viên, giáo dục, nhắc nhở hộ nghèo loại 3 để họ thay đổi hành vi, tham gia những công việc phù hợp với sức khỏe để có thêm thu nhập... Những hoạt động trên đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Hộ chị Võ Thị Mỹ Châu (SN 1971) là hộ nghèo từ năm 2002 đến 2012. Do không có ruộng vườn, anh chị sống bằng nghề bỏ mối nước đá và chăn nuôi heo, gà, vịt, làm mướn. Để hỗ trợ vốn cho anh chị, hàng năm Ngân hàng Chính sách Xã hội xét cho hộ anh vay từ 2- 6 triệu đồng và Hội LHPN xã hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng. Nhờ đó, hàng ngày anh bỏ nước đá thu nhập khoảng 80.000 đồng và chị mỗi năm xuất chuồng được 2 lần, mỗi lần từ 2-3 con heo. Chị Mỹ Châu cho biết, tháng 10 qua, chị xuất chuồng 3 con heo được 14 triệu đồng và tiếp tục mua 4 heo con về nuôi. Năm 2012, hộ chị Mỹ Châu còn được Hội LHPN thành phố Cao Lãnh vận động hỗ trợ 7 triệu đồng, Hội LHPN xã ấp vận động dòng tộc cho mượn 45 triệu đồng để cất nhà. Hộ chị Mỹ Châu được công nhận thoát nghèo năm 2012.
Tương tự, hộ anh Trương Văn Hậu (SN 1981) ở tổ 2 cũng là hộ nghèo, vợ chồng sống bằng nghề làm mướn. Năm 2011, anh được cha vợ cho mượn tiền để mua chiếc ghe làm phương tiện chở mía và xoài mướn, nhưng khi mua được ghe thì hết vốn, anh phải tiếp tục đi làm mướn và để ghe không gần một năm. Nắm được thông tin, Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ giảm nghèo xã đến tìm hiểu và xét đề nghị cho hộ anh vay 10 triệu đồng. Nhờ đó mà thời gian qua, anh có vốn mua mía để bán, chở xoài mướn, mỗi chuyến từ 2-3 ngày cũng kiếm được từ 300.000 -500.000 đồng. Ngoài ra, năm 2012, UBND xã Tân Thuận Đông còn vận động Công ty Vĩnh Hoàn hỗ trợ 20 triệu đồng, dòng tộc hỗ trợ 10 triệu đồng giúp anh cất nhà. Gia đình anh vừa được công nhận thoát nghèo.
TD