Bác sĩ trẻ Phạm Thị Tuyết Nga đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19 nặng

Cập nhật ngày: 27/02/2022 06:40:46

ĐTO - Bác sĩ (BS) Phạm Thị Tuyết Nga (SN 1994) ở ấp Tân Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, đang công tác tại Khoa Hồi sức - Điều trị Covid-19 nặng Bệnh viện (BV) Phổi Đồng Tháp, luôn nỗ lực trong công việc, hết lòng vì bệnh nhân (BN). Đặc biệt, từ khi bắt đầu điều trị BN Covid-19, BS càng thể hiện tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, không ngại nguy hiểm, bền bỉ chiến đấu với Covid-19, góp phần giành lại sự sống cho rất nhiều BN.


Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nga xem hồ sơ bệnh án

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Cần Thơ năm 2018, BS Nga được vào làm việc ở BV Phổi Đồng Tháp. Ban đầu BS Nga công tác tại Khoa Nội tổng hợp rồi đến Khoa Hồi sức cấp cứu. Từ khi BV Phổi Đồng Tháp được giao nhiệm vụ điều trị BN Covid-19 nặng (lúc dịch còn phức tạp, tỉnh có 2 BV điều trị BN Covid-19 nặng là BV Đa khoa Sa Đéc và BV Phổi Đồng Tháp), BS Nga được bổ nhiệm làm Phó Khoa Hồi sức - Điều trị Covid-19 nặng. Đây được xem là giai đoạn có nhiều thử thách nhất đối với BS Nga, vì phải đối mặt với bệnh mới – Covid-19, BN nặng rất nhiều. Bắt đầu từ ngày 10/6/ 2021, BS trực tiếp tham gia vào công tác quản lý khu ICU (khu chăm sóc tích cực) Covid-19; trực tiếp tham gia điều trị BN mắc Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch; hội chẩn, trực tiếp chuyển các BN nặng có chỉ định ECMO (chưa triển khai được tại đơn vị) sang BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ sớm để BN tiếp cận được phương pháp điều trị tốt nhất có thể; triển khai và trực tiếp áp dụng lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ sớm cho hàng chục BN Covid-19 nặng ở tại khoa, hạn chế phải đặt ống nội khí quản, góp phần giảm tỉ lệ tử vong.

BN thuộc Khoa Hồi sức thường hay Hồi sức Covid-19 đều nặng, nguy kịch, diễn tiến rất nhanh nên y, BS phải theo dõi sát để xử trí kịp thời, nhiều lúc phải đưa những quyết định chớp nhoáng và chính xác. Do đó, y, BS phải đầu tư, dành nhiều tâm huyết đối với BV. Đối với BN Khoa Hồi sức thường thì y, BS có phần ít căng thẳng hơn, nhưng đối với BN Covid-19 nặng thì luôn tập trung cao độ. “Những khi có nhiều BN Covid-19 nặng, một ngày có vài ca tử vong, thì tâm trạng em rất buồn, rất mệt về tinh thần, bị sốc nặng nên có lúc như hết sức. Bệnh Covid-19 nặng diễn tiến rất nhanh, có khi y, BS đã làm mọi cách, hết sức mình nhưng vẫn không cứu được BN. Có những BN vừa nhập viện thì một lát sau đã tử vong. Đó là lúc em bị hụt hẫng nhất. Nhưng rồi nghĩ đến nhiều BN nặng khác đang chờ đợi y, BS; nhờ cứu được nhiều BN nguy kịch, nhận được nhiều lời cám ơn, động viên nên y, BS như tiếp thêm năng lượng, có động lực mạnh mẽ hơn để chiến đấu liên tục mấy tháng trời cao điểm với Covid-19” – BS Nga bộc bạch.

BS Nga tham gia điều trị Covid-19 tại BV Phổi từ lúc tiếp nhận ca đầu tiên đến khi cả BV cùng lúc có hơn 100 BN Covid-19 nặng nên mọi cung bậc cảm xúc đều đã trải qua. Lúc tham gia chống dịch, BS Nga không cho gia đình biết vì sợ gia đình lo lắng. Hơn 4 tháng liền, ở suốt trong BV để điều trị BN Covid-19, mỗi khi có người thân điện thoại hỏi thăm, BS Nga đều nói do tình hình dịch phức tạp nên không về nhà. BS Nga chia sẻ: “Lúc ban đầu em cũng chưa biết nhiều về điều trị Covid-19, nhưng vì tình hình cấp bách nên phải cấp tốc vừa học, nghiên cứu vừa điều trị... cùng với sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế tuyến trên, các anh, chị đồng nghiệp nên bản thân tích lũy rất nhanh về kiến thức và phương pháp điều trị. Rồi tất cả các kỹ thuật mới cũng đều được triển khai trong giai đoạn đầu điều trị Covid-19 như: lọc máu, thở máy, chăm sóc BN thở máy... buộc đội ngũ điều trị phải tiếp cận nhanh để ứng dụng hiệu quả. Qua đó, cứu được rất nhiều BN. Em thấy hạnh phúc và xúc động nhất là khi những BN được khỏi bệnh ra viện vì suốt quá trình điều trị y, BS xem họ như ông, bà, người thân của mình, luôn quan tâm chăm sóc chu đáo từng BN”.

Theo BS Nga, dù y, BS tiếp xúc rất nhiều BN Covid-19 nhưng bị lây nhiễm rất ít là do thực hiện nghiêm ngặt quy trình như: đeo khẩu trang đúng cách, mặc đồ bảo hộ y tế, đeo bao tay... Quá trình thăm, khám BN phải đảm bảo đồ bảo hộ không bị sứt, bung,.. Quan trọng nhất là lúc tháo dụng cụ bảo hộ phải đúng cách. Khi tháo đồ xong phải đi tắm rồi mới quay trở lại phòng làm việc. Mặc bộ đồ bảo hộ y tế trong người rất nóng, mặc thường xuyên sẽ bị dị ứng, da nổi mụn, ngứa dù tích cực dùng thuốc. Có khi lo chăm sóc BN mà trong người ướt đẫm mồ hôi nhưng không hay, mồ hôi đọng trong tay áo chảy ra từng giọt. Có người mặc đồ bảo hộ chịu không nổi, xỉu ngay tại khu điều trị hoặc phải đi ra ngoài. Khi ra ca, có khi mệt ăn không nổi hoặc ăn ít, chỉ uống nước nhiều...


Bác sĩ Nga thăm hỏi bệnh nhân Covid-19 nặng

BS.CKII Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc BV Phổi Đồng Tháp chia sẻ: “BS Nga là BS trẻ, có tinh thần học hỏi cao, hết lòng vì người bệnh. BS Nga tham gia điều trị BN Covid-19 liên tục từ tháng 6/2021 đến nay, là 1 trong 2 BS chủ chốt trong kỹ thuật lọc máu và là 1 trong 4 BS thực hiện lọc thận của BV, góp phần quan trọng trong điều trị BN Covid-19... Theo tôi, BS Nga trẻ nhưng có chuyên môn giỏi, luôn rèn luyện y đức...”.

Với đóng góp tích cực trong điều trị BN Covid-19 nặng, BS Phạm Thị Tuyết Nga được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn