Báo động tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước

Cập nhật ngày: 25/10/2013 04:55:08

Trong những năm qua, tình hình trẻ em (TE) tử vong do đuối nước đã được kiềm chế, giảm dần qua từng năm: năm 2010 có 66 em, năm 2011 có 59 em, năm 2012 có 35 em. Tuy nhiên, năm 2013 TE tử vong do bị đuối nước đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động.


Trẻ em không được người lớn trông coi rất dễ dẫn đến đuối nước

Tính từ đầu năm đến nay, số TE tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh là 38 em, cao hơn 3 trẻ so với cả năm 2012. Trong đó, huyện Châu Thành có đến 8 trẻ, Lai Vung 7 trẻ, huyện Cao Lãnh 5 trẻ, tiếp theo là huyện Lấp Vò, thị xã Hồng Ngự, TP. Cao Lãnh... Đa số các em bị đuối nước có độ tuổi từ 2-3 (theo thống kê có 11 em sinh năm 2010 và 9 em sinh năm 2011). Ở độ tuổi này, các em mới đi chập chững, rất hiếu động và đặc biệt rất thích nghịch nước nên trách nhiệm trông giữ con em thuộc về gia đình là chính. Còn việc phổ cập bơi cho các em chủ yếu từ 6 tuổi trở lên.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội phối kết hợp cùng với các sở, ngành liên quan tổ chức tăng cường các hoạt động nhằm phòng ngừa đuối nước ở TE như: đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền qua báo chí; phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ truyền thông trực tiếp đến cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ tại 144 xã, phường trong tỉnh; phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TE tại tất cả các xã, phường trong tỉnh nhằm huy động các em đến tham gia, tổ chức giữ trẻ tại các cụm, tuyến dân cư trong mùa lũ; chọn 12 xã, phường điểm để thực hiện các tiêu chí Ngôi nhà an toàn và phòng ngừa đuối nước ở TE thuộc 12 huyện, thị, thành trong tỉnh; hình thành Ban Bảo vệ TE tại 69 xã, phường trong tỉnh. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm tổ chức hàng trăm lớp phổ cập bơi, mỗi lớp 20 - 30 em, đa số các em từ 6 - 15 tuổi.

Ngày 9/10/2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 631 về việc tăng cường công tác phòng ngừa đuối nước ở trẻ em. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi có từ 3 TE trở lên bị đuối nước hàng năm; tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức, đơn vị có thành tích trong việc phòng ngừa đuối nước TE và kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị không hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay đã có 6/12 huyện, thị, thành phố có từ 3 trẻ tử vong do đuối nước trở lên đó là: huyện Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Lấp Vò, thị xã Hồng Ngự và TP. Cao Lãnh. Riêng huyện Thanh Bình đã làm tốt công tác phòng ngừa đuối nước ở TE, bởi từ năm 2012 đến nay chưa xảy ra trường hợp TE nào bị đuối nước.

Trước tình hình TE đuối nước đang diễn biến khá phức tạp, không chỉ có việc đẩy mạnh nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp mà trên hết là ý thức của gia đình, bởi nguyên nhân chủ yếu trẻ đuối nước là do người trông giữ trẻ bất cẩn, lơ là; cha mẹ đi làm ăn gửi con lại cho ông bà trông giữ, ông bà lại già yếu nên việc trông giữ trẻ không được đảm bảo hoặc cha mẹ đi làm ăn trên sông nước đưa con theo cùng (như trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Minh, xã Tân Thành, Lai Vung vừa mất 2 con cùng một lúc do vợ chồng chị mang con theo khi đi cào cá trên sông - một cháu 5 tuổi, một cháu vừa 2 tuổi, ghe cào lật, vợ chồng chị đành bất lực nhìn dòng nước cuốn trôi hai cháu khi không thể cứu được).

TE bị đuối nước không chỉ trong mùa lũ mà nguy cơ cao ngay cả trong mùa khô, vì vậy các bậc cha mẹ hãy đặc biệt quan tâm đến con em mình nhiều hơn để không xảy ra trường hợp thương tâm nào chỉ vì một phút lơ là, thiếu sự quan tâm mà phải hối hận cả đời.

Minh Thành

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn