Cần lắm sân chơi công nhân
Cập nhật ngày: 11/09/2013 05:53:11
Đồng Tháp có 3 khu công nghiệp và trên 20 cụm công nghiệp thu hút gần 30 ngàn công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh. Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp được các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn (CĐ) quan tâm chú trọng.
Công nhân tham gia hội thao do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức
Đặc biệt là các cấp CĐ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhằm chăm lo tốt đời sống tinh thần cho CNLĐ, nhất là công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho công nhân thì việc đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, để tạo cho công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Và đây là một trong những vấn đề gây bức xúc hiện nay.
Thực tế cho thấy, do thiếu sân chơi cần thiết nên phần lớn công nhân sau khi làm việc vất vả cả ngày về nhà chỉ biết xem ti vi hay lao vào các quán nhậu, karaokê hay một số hình thức giải trí không lành mạnh khác, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của họ. Điều chúng ta nhận thấy là nếu công nhân có đời sống vật chất khá thì đời sống tinh thần được nâng lên và ngược lại, khi được thỏa mãn nhu cầu văn hóa thì đồng nghĩa với việc công nhân sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, năng suất lao động nâng lên, tình trạng đình công, lãn công cũng giảm theo.
Anh Nguyễn Hiền Lê - Trưởng ca sản xuất Công ty Cổ phẩn thức ăn chăn nuôi thủy sản Việt Thắng cho biết: Hầu hết công nhân ở công ty đều ở nhà trọ do tư nhân xây dựng, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt, sách, báo, ti vi và kiến thức pháp luật có liên quan. Ngoài giờ đi làm, hầu như công nhân chỉ biết trở về phòng trọ chứ cũng chẳng biết đi đâu, cuối tuần ai nhà gần thì về nhà, xa thì ở lại. Hầu hết công nhân ở khu công nghiệp không có đủ sân để chơi và chỉ chơi được một số môn như bóng đá, bóng chuyền và phải mất nhiều thời gian đi lại do các sân cách nhau quá xa, mất thời gian và tốn nhiều tiền. Giá cả thuê các sân để chơi thể thao thì quá đắt đỏ, một giờ thuê sân bóng đá phải trả từ 180 ngàn đồng và phải đăng ký từ 3 đến 4 ngày thì mới có sân. Anh Lê đề nghị các cấp, các ngành đầu tư các thiết chế văn hóa càng sớm càng tốt để công nhân không còn tình trạng "đói" sinh hoạt văn hóa - thể thao như hiện nay.
Ngày 12/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" với mục tiêu xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, có tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu năm 2015 có 70% công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có khu công nghiệp) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao...
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và của UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát xây dựng Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020". Trong kế hoạch, có thành lập tổ nghiên cứu, khảo sát về đời sống văn hóa của CNLĐ bằng các phiếu hỏi, điều tra mẫu, phỏng vấn... tại khu công nghiệp Sa Đéc và cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình. Từ đó, có cơ sở thực tế, để các ngành cùng nhau xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp, nhanh chóng triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân, để công nhân không còn tình trạng "khao khát sân chơi lành mạnh" như hiện nay.
Văn Hùng