Cần linh hoạt trong việc xét bổ sung hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo

Cập nhật ngày: 18/06/2014 09:25:00

Vừa qua, UBND tỉnh có ý kiến, đồng ý cho bổ sung hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, tim, suy thận mãn) năm 2914 theo đề xuất của địa phương, nhưng chỉ bổ sung cá nhân người mắc bệnh, để người bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo, giảm bớt chi phí điều trị, chia sẻ gánh nặng cho gia đình.


Gia đình chị Nguyễn Thị Mai Trinh - một trong những hộ có người
mắc bệnh hiểm nghèo ở huyện Thanh Bình

Đây là giải pháp thiết thực. Thực tế có nhiều trường hợp thương tâm, đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương, các ngành chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế, linh hoạt trong việc bổ sung (cá nhân người mắc bệnh hoặc cả gia đình) để các hộ này ổn định cuộc sống, không rơi vào cảnh đói nghèo.

Qua gặp gỡ một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo theo danh sách các địa phương gởi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đề nghị cấp sổ hộ nghèo để cá nhân người mắc bệnh trị bệnh (mọi chế độ khác không được hưởng) thật xót xa khi không ít gia đình có cuộc sống ổn định, trong thời gian ngắn phải lâm vào cảnh nghèo khó, nợ nần vì một trong số những người thân trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo.

Cô Trần Thị Phước (52 tuổi) ngụ ấp An Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành không lập gia đình sống chung với cha ruột (78 tuổi) và vợ chồng người em trai (anh Thảo) cùng một cháu gái đang đi học (con anh Thảo). Gia đình có 2 công vườn trồng nhãn, cô Phước ở nhà chăm sóc vườn, lo cơm nước cho cha và đứa cháu, còn vợ chồng anh Thảo đi làm công nhân ở Công ty Thủy sản An Phú để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình tuy không khá giả nhưng cũng ổn định. Năm 2013, cô Phước mắc bệnh (suy thận mãn), anh Thảo phải nghỉ việc để lo việc gia đình và chạy chữa bệnh cho chị. Bao nhiêu tiền của dành dụm anh Thảo đều đổ vào trị bệnh cho chị.

Anh Thảo chia sẻ: “Bệnh của chị Phước ngày càng nặng, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, dù có bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần chạy thận cũng tốn trên 300 ngàn đồng. Chạy chữa gần năm nay, tôi đã bán và cầm hết những thứ có giá trị trong nhà, giờ gia đình 5 người chỉ trông cậy vào việc làm thuê của vợ tôi. Tôi cũng tranh thủ làm mướn cho bà con trong xóm lúc rảnh, nhưng cuộc sống gia đình tôi hiện rất khốn khó. Hy vọng chính quyền địa phương cấp cho gia đình tôi sổ nghèo để chị tôi được điều trị bệnh và để con tôi được miễn, giảm học phí tiếp tục học hành, vì giờ tôi đã không còn khả năng lo nỗi”.

Một trường hợp thương tâm hơn, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Mai Trinh (36 tuổi) ở ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Vợ chồng chị có 3 con nhỏ, gia đình không có ruộng đất, sống bằng nghề chăn vịt thuê, chị Trinh mắc bệnh hở van tim. Do sống bằng nghề chăn vịt thuê nên cả gia đình thường xuyên không ở địa phương, vì vậy chính quyền địa phương không bình xét và cấp sổ nghèo cho gia đình. Thời gian gần đây, bệnh tim của chị Trinh trở nặng.

Chị Trinh cho biết: “Tôi có đi bệnh viện khám, bác sĩ nói phải mỗ, chi phí trên 60 triệu đồng, gia đình tôi làm sao có khả năng. Mới đây, nghe mấy chú ở xã cho biết Hội Bệnh nhân nghèo ở TP.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chi phí mỗ cho tôi những tôi phải có sổ hộ nghèo để làm thủ tục. Hy vọng ngành chức năng có thể xem xét cấp sổ nghèo cho gia đình tôi để tôi có thể phẫu thuật, tiếp tục sống để lo cho các con”.

Hay gia đình của chú Phạm Văn Khôn (58 tuổi) là cựu chiến binh ở ấp Bình Định, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Chú bị ung thư gan giai đoạn cuối, vợ thì bệnh tiểu đường, 2 con (con gái lớn đang học Trường Đại học Đồng Tháp năm nhất, con trai út học lớp 8). Nhà không có ruộng đất, chỉ dựa vào việc làm thuê của 2 vợ chồng, giờ cả hai đều bệnh không lao động được, cuộc sống chỉ dựa vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, các con chú đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục đến trường.

Chú Khôn tâm sự: “Bệnh tôi thì không còn hy vọng, điều khiến tôi lo lắng nhất chính là việc học hành và tương lai của các con, vì vậy tôi mong chính quyền địa phương có thể hỗ trợ giúp tôi lo cho chúng nó ăn học đàng hoàng, tôi mới yên tâm”.

Thực tế trên cho thấy, các ngành chức năng cần có sự linh hoạt trong công tác bình xét bổ sung hộ nghèo đối với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tạo điều kiện để các hộ này tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

BÍch Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn