Cần thay đổi nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 04/03/2016 12:48:08

Bộ mặt nông thôn dần thay đổi

Theo nhận định của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, qua 5 năm triển khai chương trình, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, nhất là về đầu tư phát triển giao thông nông thôn, điện, thủy lợi. Song song với vốn phân bổ hàng năm, tỉnh đã bố trí, lồng ghép nhiều nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Các địa phương tích cực huy động nội lực theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa, mở rộng các tuyến đường, nhờ đó bộ mặt nông thôn có sự thay đổi so với 5 năm trước.


Đường nông thôn được bê tông hóa

Đáng chú ý hơn là một bộ phận người dân đã dần làm quen với các mô hình kinh tế, dần hoàn thiện kỹ năng cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tập quán sản xuất lạc hậu. Điều này đã tạo nên những mảng màu tươi sáng trong bức tranh nông thôn ở tỉnh, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhiều lần so với 4 năm về trước, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng 29 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04%.

Dù vậy, sau những việc đã làm được, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nhất là tư tưởng ỷ lại của người dân còn phổ biến nên việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn chưa cao...

Còn nhiều hạn chế...

Nhìn nhận một cách khách quan về công tác xây dựng NTM thời gian qua, ông Đoàn Trí Vững - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặt dù bộ mặt nông thôn có những thay đổi rõ rệt, song xét về mức kinh phí huy động từ người dân của địa phương vẫn còn rất hạn chế. Hiện nay, một số địa phương và người dân cho rằng “các công trình cơ sở hạ tầng phải do Nhà nước làm” nên việc tuyên truyền để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong công tác xây dựng NTM chưa được đẩy mạnh, nhất là vai trò của Ban phát triển ấp chưa được phát huy. Bên cạnh đó, sau thời gian được công nhận xã NTM thì phong trào ở một số địa phương lắng dịu, sự hài lòng của một số xã thấy rõ...

Ngoài ra, việc xây dựng Nhà văn hóa ấp ở một số nơi chỉ theo phong trào, chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Ông Võ Thanh Dũng - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết, những năm đầu triển khai xây dựng chương trình, gần 560 Nhà văn hóa ấp hoạt động rất hiệu quả nhưng về sau, hoạt động lắng dịu dần sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, có tình trạng một số nơi chỉ xây dựng theo phong trào... Tư tưởng ỷ lại của địa phương và người dân còn phổ biến nên có nơi khi kết thúc chương trình vẫn chưa có xã đạt 19 tiêu chí.

Ông Dũng cho biết, trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM sẽ đề ra cách làm mới nhằm thay đổi nhận thức của địa phương cũng như người dân trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM. Trong đó, sẽ điều hành dựa vào ngân sách, nghĩa là việc phân nguồn kinh phí 3 tỷ đồng từng năm theo hai giai đoạn và có “thưởng”, “phạt” tùy từng địa phương thực hiện hiệu quả hay không hiệu quả. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương phải thay đổi hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn