Cảnh báo nguy cơ cháy nổ

Cập nhật ngày: 29/09/2014 13:31:45

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều hộ kinh doanh một số mặt hàng có nguy cơ về cháy nổ như: trang trí nội thất, điện gia dụng, đồ nhựa, vật liệu xây dựng... Trong khi đó, chủ cơ sở thường chỉ quan tâm đến việc kinh doanh, chưa quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), thiếu hiểu biết về kiến thức PCCC, dụng cụ PCCC còn rất hạn chế. Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh này chưa được tuyên truyền và huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC nên việc trưng bày và sắp xếp hàng hóa không đảm bảo an toàn về PCCC như: bố trí sắp xếp hàng hóa lấn chiếm cả hành lang, cầu thang, thậm chí hẻm thoát hiểm cũng bị lấn chiếm cơi nới, che chắn rất khó cho việc thoát hiểm và tiếp cận cứu chữa, hoặc không lắp đặt đèn chiếu sáng nên khi sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu người, cứu tài sản. Hơn nữa, số lượng hàng hóa nhập về nhiều so với mặt bằng kinh doanh nên việc chất hàng hóa tùy tiện không đảm bảo về khoảng cách an toàn PCCC, thậm chí để hàng hóa tiếp xúc hệ thống điện, đốt nhang đèn thờ cúng gần hàng hóa - là nguy cơ có khả năng phát sinh cháy nổ. Ngoài ra, hệ thống điện sử dụng lâu ngày, thiết bị tiêu thụ điện không được tính toán vượt quá khả năng cho phép của dây dẫn điện, các ổ cắm lỏng, kéo lê trên mặt nền có nhiều vật liệu dễ cháy cũng là nguy cơ phát sinh sự cố.


Ảnh minh họa

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh đã xảy ra cháy, thiệt hại rất lớn về người và của, chủ yếu là do chủ quan và thiếu hiểu biết kiến thức về PCCC. Để làm tốt công tác PCCC tại cơ sở kinh doanh, đề nghị các hộ kinh doanh cần thực hiện một số biện pháp về an toàn PCCC như: Cử người tham gia lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC để nâng cao kiến thức pháp luật về PCCC; lối thoát nạn, hẻm thoát hiểm phải thông thoáng, lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố và biển chỉ dẫn lối thoát nạn; đầu tư mua sắm trang thiết bị dụng cụ PCCC phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của từng cơ sở và thường xuyên kiểm tra dụng cụ chữa cháy; xây bể nước sinh hoạt kết hợp với chữa cháy; việc đun nấu, đốt nhang, đèn phải đặt nơi an toàn cách xa vật liệu dễ cháy; hệ thống điện hàng năm phải được kiểm tra sửa chữa, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nhiệt không để tiếp xúc với vật liệu dễ cháy; không được để hàng hóa cản trở lối thoát nạn, chất hàng hóa phải cách hệ thống điện ít nhất 0,5m; nếu mặt bằng chật hẹp, các cầu dao, cầu chì, công tắc phải để trong hộp kín.

Thiết nghĩ, các cơ sở kinh doanh đều thực hiện tốt các biện pháp nêu trên thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ cháy và thiệt hại do cháy xảy ra.

Nguyễn Văn Vàng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn