Chủ động phòng ngừa dịch Ebola
Cập nhật ngày: 18/08/2014 05:33:22
Từ đầu năm 2014 đến nay, 4 quốc gia Tây Phi gồm Guniea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đã ghi nhận trên 1.970 trường hợp mắc Ebola, trong đó có trên 1 ngàn người tử vong. Đến ngày 15/8/2014, tại Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola. Trước tình hình dịch Ebola diễn biến phức tạp tại 4 nước Tây Phi, Sở Y tế Đồng Tháp đã sớm đưa ra các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch.
Thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng ngừa dịch Ebola
và các dịch bệnh khác
Bệnh Ebola là bệnh vi rút cấp tính nặng, có triệu chứng thường sốt cao đột ngột, cực kỳ mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp theo là nôn, tiêu chảy, suy chức năng thận và gan, và ở một số trường hợp xuất huyết nội, ngoại. Trong bối cảnh chưa có biện pháp điều trị hiệu quả và chưa có vắc-xin, việc nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm Ebola cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân là cách duy nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh Ebola và tử vong ở người. Virút Ebola lây truyền qua đường máu và các dịch tiết sinh học. Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp - cho biết, để ngăn ngừa và tránh nhiễm Ebola cần phải áp dụng triệt để các biện pháp lây truyền qua đường máu như: không trực tiếp tiếp xúc với máu và dịch của người bệnh hoặc động vật mắc bệnh; khi xử lý động vật cần mang găng và quần áo bảo hộ thích hợp; các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) cần được nấu kỹ trước khi ăn; thường xuyên mang găng tay và các thiết bị phòng hộ khi phải chăm sóc người bệnh; thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay bằng các loại xà phòng sát khuẩn thường xuyên sau khi đi thăm bệnh nhân ở bệnh viện, cũng như sau khi chăm sóc người bệnh tại nhà. Thực hiện cách ly triệt để đối với các trường nghi hoặc bị mắc bệnh.
Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên. Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virút Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn. Những người bị chết do Ebola cần được mai táng kịp thời và an toàn để tránh lây lan sang người khác.
Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đang phát triển thành dịch ở một số nước Tây Phi, có thể lây lan sang các nước khác, không loại trừ Việt Nam. Để chủ động phòng, chống dịch, Sở Y tế đã khẩn trương phát hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Trước mắt, Sở tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế ở các cửa khẩu; tăng cường công tác giám sát dịch tễ, phát hiện, khống chế dịch trong tỉnh (nếu có); tích cực truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người dân biết cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh Ebola. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh này; khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát, phát hiện, xử lý dịch, phòng ngừa bệnh Ebola;...
Hữu Nghĩa